00:00 Số lượt truy cập: 2668751

Thành công trong việc sản xuất giống và nuôi cá ngựa thương phẩm 

Được đăng : 03/11/2016
Theo TS Trương Sĩ Kỳ -hiện nay Viện Hải Dương học đang thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba loài cá ngựa có tên khoa học là cá ngựa đen (Hippocampus kuda), cá ngựa vằn (Hippocampus comes), cá ngựa gai (H. spinosisimuss).

Mục đích của việc nghiên cứu là để nhân rộng số lượng loài cá đang có nguy cơ cạn kiệt, tạo công ăn việc làm và lợi ích kinh tế của người dân, cũng như phục vụ xuất khẩu, phục vụ cho việc nuôi cá cảnh ở Mỹ, Singapore...

Song song với việc sản xuất giống, Viện cũng tiếp tục bố trí các thí nghiệm nhằm hoàn thiện qui trình nuôi. Việc nghiên cứu chuyển đổi màu sắc cá ngựa cũng đang được tiến hành. Với thành công này, sau mỗi tháng, Viện sẽ nhân giống thành công từ 5.000 – 7.000 con giống ở quy mô trại sản xuất nhỏ, dung tích bể nuôi khoảng 20 khối nước biển.

Vốn đầu tư cho nuôi cá ngựa không nhiều nhưng lợi nhuận tương đối cao, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Mặc dù được nhân giống nhân tạo, nhưng chất lượng con giống vẫn đảm bảo sinh trưởng tốt, cá ngựa có phát triển và tỷ lệ sinh sản cao so với cá ngựa sinh sống tự nhiên. Cá nuôi đến sáu tháng tuổi sẽ tái phát dục và sinh sản cho thế hệ F2, khép kín vòng đời của cá ngựa. Chất lượng không thua kém gì cá tự nhiên và so với thế giới.

Ở Việt Nam, hầu như tất cả công trình nghiên cứu cá ngựa là do tập thể cán bộ của Viện tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Việc nhân giống thành công sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, nếu đầu tư tốt và tìm thị trường tiêu thụ cá ngựa sống dùng cho y học ở Trung Quốc, Hồng Công và nuôi cảnh ở các nước phương Tây thì hiệu quả kinh tế đạt được sẽ gấp nhiều lần so với các mô hình chăn nuôi khác. Trước đây, biện pháp phục hồi nguồn lợi loài cá quý hiếm này thả hàng chục ngàn con cá ngựa giống ra biển, nhưng thành công với quy trình này của Viện Hải dương học trong việc nhân giống và nuôi thương phẩm sẽ làm giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên.

Theo tiến sĩ Kỳ, trị giá công nghệ nhân giống khoảng 2 tỷ đồng, nhưng với thành công vừa đạt được, có thể nói đây là thành quả to lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà so với thế giới, vì ưu điểm của qui trình nuôi cá ngựa ở Viện Hải Dương Học là kỹ thuật thấp, vốn đầu tư không lớn, nhưng năng suất đạt được lại rất cao.

“Trong một tương lai rất gần, người dân có thể nuôi được cá ngựa ở trong các trại tôm giống (hiện tại đang bỏ hoang, vì nghề nuôi tôm sú ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh). Điều này sẽ làm ổn định công ăn việc làm cho các hộ nuôi nghèo. Ngoài ra, thành công trong việc chuyển đổi màu sắc cá ngựa phục vụ cho nuôi cảnh là một điều rất thú vị trong khi nghiên cứu của chúng tôi, kết quả đạt được chỉ do sự ngẫu nhiên. Thông thường cá ngựa có màu đen, nhưng chúng tôi có thể chuyển chúng sang màu vàng, có khi là màu đỏ” - tiến sĩ Kỳ cho biết.

Hiện nay, quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa chưa chuyển giao chính thức cho một đơn vị hay cá nhân nào, nhưng Viện Hải Dương học cũng đã phổ biến quy trình nuôi cho một số hộ dân ở Khánh Hòa, kết quả đạt được rất khả quan.