00:00 Số lượt truy cập: 2661882

Thành công từ giống mới 

Được đăng : 03/11/2016

Ở nhiều địa phương, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là bài toán khó. Thôn Đông (Tam Giang, Yên Phong) đã có cách làm mới nhờ thay đổi con giống có hiệu quả, cho năng suất cao. Thôn là địa phương dẫn đầu xã về phát triển đàn gia cầm, với 50 hộ chăn nuôi quy mô từ 400 đến 1.500 con/hộ.


Từng bị ảnh hưởng các loại dịch bệnh về gia cầm và thời kỳ biến động bất lợi về giá, người dân trong thôn đã đúc rút kinh nghiệm từ khâu chọn giống đến phòng chống dịch bệnh bằng việc chuyển đổi từ chăn nuôi giống gà đỏ sang gà Ai Cập. Gà Ai Cập là giống gà cho năng suất cao hơn, giá mua lại rẻ hợp với điều kiện sống trong vùng. Đến thời điểm này, khi giá cả thức ăn cho gia cầm tăng cao so với thời gian trước, những mô hình chăn nuôi gia cầm vẫn giữ vững và phát triển.

Gia đình ông Lê Duy Bình là một trong những hộ chăn nuôi điển hình của địa phương, đi tiên phong thay đổi từ giống gà đỏ sang gà Ai Cập. Theo ông Bình thì những ngày đầu tiên nuôi thử nghiệm giống gà mới gặp không ít khó khăn như: Kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, tiêu thụ sản phẩm… Song bằng ý chí quyết tâm của người nông dân đã gắn bó cả cuộc đời với nghề chăn nuôi, ông không tiếc thời gian, công sức tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông và vận dụng kinh nghiệm chăn nuôi của mình để vượt qua khó khăn ban đầu, đưa con gà Ai Cập về nuôi.

Với việc chọn những con gà giống có chất lượng cao, bố trí quy mô đàn hợp lý, xây dựng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật, đầu tư thức ăn đủ số lượng và chất lượng cao, cho ăn đúng quy định, ngày đầu nuôi thử nghiệm thì nuôi quy mô nhỏ cách xa với các loại gà đang nuôi trong gia đình để tránh dịch bệnh... nên sau hơn hai năm đã cho ông những kết quả đáng mừng. Đàn gà phát triển khỏe mạnh, cho năng suất, hiệu quả cao, được thị trường ưa chuộng bởi giống gà Ai Cập có chất lượng cao, thịt thơm ngon. Đặc biệt, loại gà này có khả năng đẻ nhiều và dày, hàm lượng Protêin trong trứng cao, trứng khi ăn có mùi thơm đặc biệt, tỷ lệ đẻ trên 70%. Vì vậy, đã thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng trong địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, trong chuồng trại nhà ông Bình có hơn 1000 con gà Ai Cập đẻ trứng và gà nuôi lấy thịt. Hàng ngày, cho thu gần 1.000 trứng cung cấp cho các thương lái bán tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tính trung bình khi trừ chi phí thức ăn, mỗi ngày gia đình ông cũng thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng. Đây là những con số biết nói cho sự nỗ lực của một người nông dân dám nghĩ, dám làm, áp dụng những con giống mới trong chăn nuôi sản xuất tại một vùng quê thuần nông.

Không phải bỏ nhiều thời gian để thử nghiệm con giống như gia đình ông Bình, ông Lê Đắc Cẩm lại có những cách riêng của mình để đưa con gà Ai Cập về chuồng trại gia đình. Là người chăn nuôi tập trung quy mô lớn của thôn, đã từng vượt qua những trận đại dịch cúm gia cầm năm 2002- 2003, gia đình ông Cẩm hiện tại chăn nuôi hơn 1000 con giống gà Ai Cập đẻ trứng. Ông Cẩm đã biết thay đổi con giống đúng thời điểm nên vẫn giữ mức thu nhập ổn định, kinh tế đã thuộc vào hạng khá trong thôn. Tuy giá thức ăn gia cầm vẫn cao nhưng giá trứng gà Ai Cập khoảng 1800/đồng/quả nên thu nhập hàng ngày vẫn hơn 200 nghìn đồng/ngày.

Gia đình ông Lê Duy Bình và ông Lê Đắc Cẩm chỉ là hai trong nhiều hộ có mô hình chăn nuôi gà Ai Cập hiệu quả ở địa phương. Hiện nay, thôn Đông có gần 50 hộ nuôi gà Ai Cập, hộ nhiều thì 800 – 1.500 con còn trung bình từ 500 – 700 con. Từ một làng quê thuần nông với nhiều khó khăn nhờ biết cách làm ăn mới, đưa con giống có hiệu quả, năng suất cao về phát triển chăn nuôi, thôn Đông đã trở thành vùng quê có kinh tế khá giả, đời sống nhân dân đổi thay rõ rêt.