00:00 Số lượt truy cập: 2668540

Tháo gỡ vướng mắc cho con bò sữa ở Thanh Hóa 

Được đăng : 03/11/2016
Ðàn bò sữa, giống nhập khẩu đưa về Thanh Hóa, giá bình quân mỗi con lúc đó tương đương bốn cây vàng. Người ta đón nó khá rầm rộ, vì nuôi bò sữa là một dự án kinh tế lớn của tỉnh trong chương trình sữa quốc gia. Nhưng, hai năm gần đây, dự án chăn nuôi này ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đứng trước nguy cơ phá sản. Với Thanh Hóa, đàn bò có chung số phận đó không?

"Chọn mặt gửi vàng"


Nổi lên trên vùng mía đồi của Nông trường Sao Vàng, huyện Thọ Xuân là Khu Trung tâm Bò sữa thuộc Tổng công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Ở đây, trại nuôi bò sữa, cơ sở nhân giống được hình thành khá bề thế. Những dãy nhà kết cấu khung thép, vòm lợp tôn cao. Ðã 11 giờ, đàn bò đang vào bữa ăn. Cỏ voi tươi đầy các dãy máng, nhưng cả bò và bê đều gầy. Hai chị nhân viên khiêng bao tải thức ăn viên rải vào máng, chúng xô đẩy nhau tranh ăn. Một chị bảo là chúng rất thích ăn thức ăn tinh, nhưng mỗi bữa, mỗi con chỉ được vài nắm. Bò sữa, bò hậu bị, bê cái, bê đực nhốt riêng từng chuồng. Nền chuồng láng xi-măng, "giường" cho mỗi con được tôn cao 10 cm, trải lên đó là tấm đệm cao-su dày 1 cm. Hệ thống nước uống, nước vệ sinh, nước tắm bằng vòi phun. Khu trung tâm có hệ thống thiết bị vắt sữa hiện đại. Máy vắt sữa có đồng hồ đo tốc độ, sản lượng sữa từng con, thông số kỹ thuật được lưu trữ để so sánh... Trung tâm bò sữa này được đầu tư gần 13 tỷ đồng, ấy là riêng chuồng trại. Gắn vào đó hệ thống thiết bị vắt sữa và các khoản đi kèm hơn 12 tỷ đồng. Những con bò sữa mầu lang đen ở trong các khu "chuồng vàng" này gần bốn năm nay. Trong điều kiện một tỉnh nghèo, trung tâm đầu tư nuôi bò sữa là xứng tầm hiện đại. Kỹ sư chăn nuôi Hoàng Sĩ Hùng được điều động về đây làm Giám đốc Trung tâm bò sữa. Trung tâm có hai đàn bò sáp nhập. Ðàn bò Australia về Thanh Hóa tháng 5-2002 có 87 con đưa lên xã trung du Quảng Phú, huyện Thọ Xuân. Lúc đó đích thân Chủ tịch UBND tỉnh, một số cán bộ cấp huyện và các ngành liên quan về xã dự lễ giao bò đến hộ nông dân trồng mía. Vào thời điểm đó, giá vàng 478.000 đồng/chỉ. Giá mỗi con bò sữa được công bố tại buổi lễ có giá từ 19 đến 22 triệu đồng. Một năm sau, tháng 5-2003, Công ty nhập 931 con bò sữa từ New Zealand về Thanh Hóa. Ðàn bò này được đưa thẳng về Sao Vàng để liên doanh với Nông trường trồng mía, thành lập Trung tâm bò sữa. Năm 2005, tổng đàn bò của Trung tâm đã có 2.434 con. Sang năm 2006, sau khi chọn lọc, thải loại theo quy chuẩn, đàn bò còn 1.148 con. Giá gốc đầu tư mua 1.289 con bò ngoại nhập là gần 24 tỷ đồng.


Chủ trương của tỉnh Thanh Hóa là phấn đấu đến năm 2010 có 10 nghìn con bò sữa và năm 2020 sẽ có tổng đàn 30 nghìn con. Một quyết sách mạnh bạo và có sự cân nhắc, tính toán để theo đuổi chương trình sữa quốc gia. Ðàn bò sữa đối với Thanh Hóa còn tạo ra đòn bẩy giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở nông thôn, vì mỗi năm hàng chục nghìn người vẫn phải đi tìm kiếm việc làm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển đàn bò sữa còn tận dụng được nông sản phụ làm thức ăn chăn nuôi. Ðối với sản phẩm, chưa nói xuất khẩu, mà hằng năm cung cấp sữa tươi góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống cho 4 triệu dân từ đầu năm 2015 trở đi, là mơ ước lớn. Và 11 huyện miền núi, vùng trung du sẵn đất đai, dư nhân lực, có thể trồng cỏ vườn, cỏ nương, khai thác quỹ đất nhàn rỗi để chăn nuôi bò.... Nhưng, chương trình nuôi bò sữa ở tỉnh Thanh đang đối mặt với những khó khăn cần tháo gỡ.


Những bất cập


Ðàn bò đã khai thác sữa được bốn năm. Qua nhận xét của Giám đốc Trung tâm thì: Sản lượng sữa của bò Australia khá hơn bò New Zealand. Năm 2003, sản lượng sữa tươi đạt 2.692,5 tấn. Năm 2004 đạt 3.680,5 tấn và năm 2005 đạt 4.433,2 tấn. Bình quân đạt hơn 10 kg sữa/con/ngày. Năng suất đó là thấp. Oái oăm hơn là giá sữa rất "bèo". Năm đầu nông dân Quảng Phú hợp đồng nuôi, bán sữa từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/lít. Một năm sau đó, đàn bò hộ dân nuôi được trả về cho các Trung tâm nuôi tập trung, vì dân không kham nổi. Ðến nay, giá sữa đã được nâng lên 4.200 đồng/lít, tuy vẫn còn kém xa giá một lít nước khoáng đóng chai. Trớ trêu nữa là Trung tâm bò sữa ở đây tính chi phí đầu tư trong ngày cho một con bò sữa đang khai thác từ 39 nghìn đến 40 nghìn đồng/ngày, bao gồm thức ăn thô và tinh, công chăm sóc, thú y, khấu hao... trong khi đó đàn bò chỉ cho từ 11 đến 15 kg sữa/con/ngày.


Thực tế kiểm định cho thấy, do giống bò chưa thật chuẩn, dẫn đến sản lượng sữa đạt không cao. Trong tổng đàn, số bò cho lượng sữa từ 25 đến 28 kg sữa tươi/con/ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trò chuyện với cán bộ, công nhân Trung tâm bò sữa Sao Vàng, được biết công nhân nuôi bò sữa ở đây phần lớn là lao động đơn giản. Một số công nhân được tập huấn kỹ thuật cơ bản như vắt sữa, chăm sóc bò khi sinh sản, vệ sinh chuồng trại, cho bò ăn theo khẩu phần hướng dẫn... Giám đốc Trung tâm nói là đã giảm "biên chế" đi hơn một nửa trong số 100 lao động nuôi bò. Với nông hộ, kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa còn thiếu, vẫn còn tâm lý xem chăn nuôi là "nghề phụ". Thực tế những năm qua, họ thoát nghèo, giàu lên nhờ cây mía. Ðiều đó tạo niềm tin mãnh liệt khi nhận nuôi con bò sữa lang đen, cũng tưởng như thâm canh cây mía vùng đồi. Nhiều người ngộ nhận nuôi con bò, con trâu có gì là khó. Thế nhưng, con bò sữa đã làm thay đổi suy nghĩ đó. Chỉ những hộ khá, giàu mới có đủ tiềm lực, điều kiện nuôi bò sữa.


Ðể chăn nuôi bò sữa hiệu quả


Với đầu tư con giống, chuồng trại, thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa, ba khâu đó đã có tổng vốn đầu tư 49 tỷ đồng. Năm 2004, Tổng công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đầu tư xây dựng Nhà máy sữa Milas, công suất chế biến 4.000 lít sữa/giờ, số vốn đầu tư 75 tỷ đồng đưa vào vận hành tháng 5-2005. Như vậy, đầu tư cho dự án sữa bước đầu đã là 124 tỷ đồng, nhằm tạo ra quy trình khép kín, gắn sản xuất với chế biến.


Qua trao đổi ý kiến, tiếp xúc với những kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi thì chưa có cơ sở để khẳng định vùng khí hậu Thanh Hóa khắc nghiệt, làm giảm năng suất, sản lượng sữa của bò. Gần đây, một tài liệu của ngành nông nghiệp phát hành, công bố rộng rãi thành tựu ngành bò sữa của Israel trong điều kiện con bò sữa phải sống với khí hậu khắc nghiệt của vùng Trung Ðông, nhưng sản lượng sữa vẫn đạt 9.500 kg sữa/con/năm, đứng hàng đầu thế giới cả về chất và lượng. Cũng vẫn còn sớm để cho rằng đàn bò càng nuôi càng lỗ. Nếu so sánh với các tỉnh trong nước về thời gian, thì Thanh Hóa mới đưa vào nuôi bò sữa bốn năm (2002 - 2006), và "vạn sự đều khó lúc ban đầu". Hơn thế, nuôi bò sữa là một nghề mới mẻ ở Thanh Hóa. Nhưng có thể nói, qua bốn năm đưa con bò sữa vào chăn nuôi trên đồng đất Lam Sơn, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã rút ra giải pháp để duy trì đàn bò, tiếp tục theo đuổi chương trình sản xuất sữa. Ðó là Tổng công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đang thay dần giống bò sữa bằng cách nhập tinh giống bò Mỹ, Canada đưa vào phối giống, nhằm tạo ra đàn bò nền chất lượng cao, tiến tới chuyển hai trung tâm nuôi bò sữa hiện nay thành trung tâm giống cấp 1 và cấp 2. Với giống bò nền, năng suất sữa có thể đạt 7 - 9 tấn sữa/chu kỳ/con. Tiếp đó, công ty đưa giống bò sữa năng suất cao cung ứng cho hộ nuôi. Ðồng thời, công ty quan tâm đào tạo, tập huấn kỹ thuật, trang bị cho các hộ nông dân những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi bò sữa; phối hợp Trường đại học Hồng Ðức đào tạo cán bộ chăn nuôi, thú y tăng cường cho vùng dự án; định hướng, tổ chức, điều chỉnh quy mô trang trại nuôi bò sữa từ 50 đến 100 con, phù hợp trình độ quản lý và năng lực điều hành. Ngay từ bây giờ, chủ đầu tư đã tính đến việc đầu tư tiếp cơ sở chế biến thức ăn tinh, nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho đàn bò 10 nghìn con vào năm 2015 và 30 nghìn con vào năm 2020 bằng cả hai mô hình nuôi tập trung tại hai trung tâm, chăn nuôi gia trại thông qua ký hợp đồng chăn nuôi đến hộ. Trước mắt, Tổng công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn trình UBND tỉnh Thanh Hóa có giải pháp về khâu tạo giống bò năng suất cao; bảo đảm mức lương thỏa đáng cho cán bộ khuyến nông thực hiện tốt việc chuyển giao, phổ cập kiến thức chăn nuôi bò sữa cho cộng đồng. Ðể phát triển đàn bò sữa có số lượng 30 nghìn con, tỉnh cần dành quỹ đất trồng cỏ, bảo hộ quyền lợi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân sản xuất, kinh doanh cỏ nuôi bò. Phần nữa, sớm chấn chỉnh hoạt động thu mua, chế biến sữa hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất.


Ðàn bò sữa Thanh Hóa là dự án kinh tế đang thực thi giai đoạn đầu. Với nông dân, nuôi bò sữa là một nghề mới, vừa gần gũi người lao động, vừa mở ra hướng làm ăn lâu dài. Ðiều đáng mừng là thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa luôn "đồng hành" cùng doanh nghiệp, nhất là việc ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa. Giai đoạn đầu tuy khó khăn, nhưng Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, người chăn nuôi cùng chung vai gánh vác, tháo gỡ vướng mắc, vẫn có thể xoay chuyển tình thế, phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm từ sữa, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện, bền vững.