00:00 Số lượt truy cập: 2661787

Thêm một máy cấy tiện ích 

Được đăng : 03/11/2016
Sau thành công với sản phẩm máy cấy MC 6-250, mới đây Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng đã chế tạo thành công chiếc máy cấy thế hệ mới.

MC - 08 có ba bộ phận làm việc chính là bộ phận di động, bộ phận cấy, bộ phận đỡ và cung cấp mạ cùng các hệ thống phụ trợ khác. Động cơ diezen 4.0 mã lực truyền chuyển động qua hộp số chính đến bánh xe, quá trình cấy bánh xe được thiết kế như một bánh sắt có 18 mấu bám dùng để kéo toàn bộ máy cấy qua hệ thống máng trượt.


Thế hệ máy cấy mới MC – 08, theo tiến sĩ Lê Sĩ Hùng, nguyên lý hoạt động của máy về cơ bản giống với MC 6-250. Từ hộp số chính qua hệ thống các đăng chuyền chuyển động đến hộp số cấy và bộ phận ra mạ. Bộ phận cấy gồm có tám tay cấy chia đều ra hai bên, làm việc theo nguyên lý cơ cấu bốn khâu và phương pháp chải đẩy, trên mỗi tay cấy có nỉa tách mạ và cần đẩy dúi mạ xuống đất. Trong quá trình hoạt động, nỉa tách mạ sẽ tách từ thảm mạ một miếng mạ nhỏ từ 0,5-1cm2. Sau mỗi vòng quay của tay cấy, bộ phận ra mạ lại dịch chuyển dàn đựng mạ sang ngas ng để vòng sau tay cấy tiếp tục tách miếng mạ mới.


So với thế hệ máy trước, ra đời sau nên MC – 08 có những thay đổi phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nông dân. Theo đó, máy cấy được thiết kế gồm tám tay cấy chia làm bốn cục. Khoảng cách hàng cấy từ 25cm nay được rút ngas én lại 20cm. Đây là tỉ lệ lý tưởng để cho cây lúa phát triển bình thường. Máy cấy bằng loại mạ thảm, nếu gieo mạ tốt, tỷ lệ bỏ sót gốc mạ hầu như là không có.


Máy có hệ thống bánh lồng lớn cho phép hoạt động trên cả đồng trũng, và với ưu thế gọn nhẹ, nó có thể cấy trên nhiều loại ruộng. Mạ dùng để cấy là mạ được gieo bằng khay. Thao tác máy khá dễ dàng, chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ làm quen là người dân có thể vận hành máy. Trong một giờ hoạt động, máy có thể cấy kín 1.500m2, thay thế từ 25 – 30 lao động cấy tay.


Mặc dù mới ra đời, nhưng nhu cầu sử dụng máy của các tỉnh phía nam hiện nay là rất lớn. Nhiều đơn đặt hàng liên tiếp đến viện, đáng kể như tỉnh An Giang “đánh” công văn “đòi” chuyển giao 100 cái, nhiều đơn vị có ý định mua lại công nghệ chế tạo.


Nhu cầu sử dụng máy cấy của các tỉnh phía nam tăng đột biến, theo tiến sĩ Hùng là do ở đó đã có công nghệ làm mạ khay sẵn từ trước. Bên cạnh đó, đến vụ mùa nếu thuê lao động cũng rất khó nên việc đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp là điều dễ hiểu. Trong khi đó, hệ thống máy mới vẫn chưa tiếp cận được thị trường các tỉnh phía Bắc vì tập quán gieo mạ dược và cấy bằng tay có từ lâu đời, và nếu chuyển giao công nghệ cấy bằng máy đến bà con nông dân thì phải hướng dẫn quy trình gieo mạ thảm…


Hiện nay, sức lao động của nông dân vẫn chưa được giải phóng triệt để vì sau thời gian cấy, bà con vẫn mất thời gian để bón phân bằng tay. Tiến tới, viện sẽ chế tạo máy vừa cấy vừa bón phân. Tức ngoài cơ cấu cấy, máy sẽ được thiết kế thêm cơ cấu bón phân, cứ một khóm mạ được cấy thì một lượng phân tương ứng được dúi xuống theo gốc mạ. Thiết kế mới này cho phép kết hợp một lần hoạt động nhưng làm tốt nhiệm vụ cả hai công đoạn. Tăng hàng mạ cấy có thể lên 10 hàng, 15 hàng trong một lần cấy cũng là nhiệm vụ mà các nhà khoa học tại viện sẽ thực hiện trong thời gian tới - tiến sĩ Hùng cho biết thêm.