00:00 Số lượt truy cập: 2668916

Thiết bị sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời 

Được đăng : 03/11/2016
Nằm trong chương trình phát triển 10.000 ha cây ca cao đến năm 2010, được sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác phát triển nông nghiệp quốc tế Hoa kỳ, thông qua dự án Success Alliance "Phát triển dịch vụ khuyến nông bền vững cho nông hộ" do ACDI/VOCA triển khai thực hiện, Bến Tre đang tập trung mở rộng diện tích trồng xen cây ca cao trong vườn dừa và vườn cây ăn trái. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới trên 2.000 ha cây ca cao và có khả năng tăng nhanh trong vài năm tới.


Cùng với việc đầu tư phát triển, nâng cao năng suất và sản lượng cây ca cao, vấn đề quan tâm nhất của Bến Tre hiện nay là hỗ trợ nông dân sơ chế hạt ca cao xuất khẩu, tạo qui trình sản xuất khép kín, giúp người trồng ca cao tăng thêm thu nhập. Ngoài xây dựng 8 điểm sơ chế lên men hạt ca cao ở Châu Thành, tổ chức ACDI/VOCA tiếp tục hỗ trợ Bến Tre đầu tư công nghệ sấy hạt ca cao thành phẩm. Với 35.000 USD vừa được bổ sung cho dự án Success Alliance, Bến Tre sẽ dành một khoản khá lớn đầu tư cho công nghệ sơ chế hạt ca cao. Ngoài xây dựng một phòng kiểm định chất lượng hạt ca cao tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng 2 hệ thống sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời tại hộ bà Tư Lẫm ở xã An Khánh và hộ anh Hùng Sơn ở xã Phú Đức (Châu Thành).

Thiết bị này khá đơn giản, được thiết kế gồm 1 lò sấy chính giữa, bên trên sàn sấy là tấm nhựa có tác dụng vừa chống mưa, vừa hấp thụ năng lượng mặt trời. Hai bên hông lò sấy là 6m3 đá, mỗi bên 3m3, được chất theo dạng hình tam giác vuông, với độ nghiêng khoảng 300. Đá được sơn đen có tác dụng hấp thụ toàn bộ năng lượng mặt trời thông qua 2 tấm nhựa lợp bên trên. Các tấm nhựa chuyên dụng này nhập từ Israel, được làm bằng chất liệu đặc biệt, hấp thu tối đa nguồn năng lượng mặt trời truyền xuống lớp đá bên dưới. Độ nghiêng của các khối đá 2 bên hông lò sấy có tác dụng chuyển năng lượng mặt trời thành nhiệt năng cung cấp trực tiếp cho lò sấy. Với thiết kế này, nhiệt độ lò sấy bao giờ cũng cao hơn nhiệt độ ngoài môi trường. Biên độ nhiệt bên trong so với bên ngoài có lúc sai biệt từ 10 - 150C, đảm bảo độ nóng để sấy hạt ca cao trong điều kiện thời tiết không ổn định, mưa nhiều. Theo các hộ được đầu tư, nếu phơi 100 kg hạt ca cao tươi bằng ánh sáng tự nhiên phải mất từ 6 - 7 ngày. Khi ứng dụng lò sấy bằng năng lượng mặt trời thời gian rút ngắn chỉ còn 4 - 5 ngày.

Anh Hùng Sơn hiện đang trồng 1 ha cây ca cao xen trong vườn nhãn, mỗi năm thu được trên 35 tấn trái. Trước đây phơi hạt trong điều kiện mưa nắng thất thường, chất lượng hạt ca cao đạt thấp, độ ẩm cao, độ thất thoát nhiều. Áp dụng hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời, tỷ lệ thu hồi cao (40%), đảm bảo độ ẩm (từ 7 - 7,5%), hạt lại sáng đẹp hơn. Nhờ vậy, chỉ sau 4 mẻ sấy bằng công nghệ mới, hạt ca cao của anh được Công ty ED&F MAN Việt Nam đặt tại Bến Tre đánh giá cao. Hiện nay, ngoài nguyên liệu hạt ca cao tự trồng, anh Sơn còn tổ chức thu mua trái tươi của nông dân để sơ chế, góp phần tiêu thụ nguồn ca cao do nông dân làm ra.

Cũng như anh Hùng Sơn, ngoài nguồn ca cao từ 3 công đất trồng xen, bà Tư Lẫm tổ chức thu mua trái ca cao tươi của nhà vườn để sơ chế. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của bà thu mua khoảng 500kg trái tươi. Cứ 100kg trái, thu được 25kg hạt tươi. Sau khi trải qua công đoạn lên men và sấy, còn lại khoảng 10kg. Như vậy, nếu sấy 100kg hạt tươi, thu được 40kg hạt khô, tỷ lệ thu hồi khoảng 40%. Trong khi phơi bằng nắng thông thường, tỷ lệ thu hồi thấp hơn và phải tốn nhiều công sức.

Dù chỉ mới đưa vào hoạt động không lâu, nhưng hệ thống sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời do Trường Đại học Cần Thơ thiết kế đã mang lại kết quả khả quan. Thiết bị này rất tiện dụng, lại rẻ tiền, nguồn vốn đầu tư khoảng 12 triệu đồng. Nếu được tổ chức nhân rộng, người trồng ca cao sẽ có điều kiện tự sơ chế, bán được giá cao, tránh tình trạng bán trái tươi, hoặc chỉ qua công đoạn lên men, làm mất đi một khoản thu nhập đáng kể cho nhà vườn.