00:00 Số lượt truy cập: 2637519

Thực hiện “tam nông” ở ĐBSCL: Một tiêu điểm của liên kết vùng 

Được đăng : 03/11/2016

Cơ sở hạ tầng yếu kém; sản xuất manh mún làm tăng suất đầu tư; người dân nông dân thiếu chủ động trong sản xuất, còn lệ thuộc thời tiết, nặng về khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng, hàm lượng chất xám trong nông sản hàng hoá chưa cao, dẫn đến tính cạnh tranh và giá trị gia tăng của lúa gạo, trái cây, cá da trơn, tôm thấp, chưa tương xứng tiềm năng.


Đó chính là thách thức của ĐBSCL khi hiện thực hoá nghị quyết “tam nông” mà liên kết vùng đang được coi là chìa khoá.

Nhận diện thách thức

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ cùng các bộ, ngành trung ương và chính quyền các địa phương ĐBSCL bắt tay nghiên cứu để nhận diện những thách thức hàng đầu khi triển khai thực hiện nghị quyết “tam nông”.

Kết quả có đến 10 thách thức trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Một, thách thức của các rào cản kỹ thuật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã... đối với nông sản hàng hoá. Hai, thách thức của phát triển bền vững khi sản lượng lúa gạo, trái cây, cá da trơn, tôm tăng nhanh, xuất khẩu ngày càng nhiều, nhưng thu nhập nông dân tăng chưa tương xứng, môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm. Ba, thách thức về phát huy tiềm năng, lợi thế khi còn thiếu liên kết vùng, đầu tư chưa đồng bộ (vốn, giống, thủy lợi, cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, thương mại hóa sản phẩm ...). Bốn, thách thức khi gia nhập sân chơi chung (hội nhập toàn diện thị trường chung ASEAN vào năm 2012) khi nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, hộ nghèo cao, dễ bị rủi ro và tổn thương; trình độ kỹ thuật thấp, thiếu tổ chức sản xuất ở quy mô lớn. Năm, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, bất bình đẳng thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Sáu, ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng nghiêm trọng. Bảy, thiếu lồng ghép các dự án phát triển nông thôn. Tám, liên kết vùng và vai trò tham gia “4 nhà” còn lỏng lẻo khi giải quyết các thách thức của vùng. Chín, chủ trương “tam nông” đã có từ lâu, nhưng tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá thì còn hạn chế. Mười, đối mặt với WTO và  tác động biến đổi khí hậu gây ảnh huởng rất lớn đến phát triển “tam nông” nếu thiếu chiến lược và giải pháp đồng bộ.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp TPHCM và ĐBCSL.                     Ảnh: H.H
Hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp TPHCM và ĐBCSL. Ảnh: H.H

Liệt kê 10 thách thức chỉ là sự mô tả giản lược. Thực tế sự tác động qua lại giữa các yếu tố tạo nên bức tranh toàn cảnh còn phức tạp hơn nhiều. Vài thập kỷ qua, ĐBSCL đã có những tiến bộ nhất định trong công tác giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tuy có chú ý đến liên kết, nhưng chủ yếu ở khâu tiêu thụ như hợp đồng tiêu thụ nông sản, nhưng thực tế còn nhiều vướng mắc. Chuỗi liên kết nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng trong sản xuất, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ, chế biến, tiêu thụ (xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực) còn chưa chặt chẽ. Cả 3 sản phẩm hàng hóa mũi nhọn của ĐBSCL đang đứng trước rất nhiều thách thức, kể cả sự áp đặt rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường của các quốc gia và một số tổ chức quốc tế, không loại trừ thủ đoạn cạnh tranh như áp mức thuế suất cao.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chính sách chưa được xử lý thấu đáo. Như Luật Đất đai hiện hành với 2 nội dung hạn điền tối đa 6ha/hộ, thời gian sử dụng tối đa 20 năm đang cản trở sự tích tụ ruộng đất đủ lớn để áp dụng khoa học- kỹ thuật hiện đại, lại khiến doanh nghiệp, chủ trang trại khó đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu. Hay chính sách an ninh lương thực chưa phân biệt giữa người sản xuất lúa gạo cho mục tiêu an ninh lương thực với người sản xuất lúa gạo cho mục tiêu thương mại, dẫn đến đãi ngộ chưa hợp lý.

Dù Chính phủ đã ban hành nghị định về xuất khẩu gạo và đang lấy ý kiến chuẩn bị ban hành nghị định về bảo vệ đất lúa, nhưng cần tiếp tục đổi mới chính sách, đổi mới quy hoạch, đổi mới công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo theo hướng đem lại quyền chủ động và lợi ích nhiều hơn cho người nông dân.

Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.
Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

Dự án liên kết

Có người ví sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL như cây đòn gánh, 1 đầu là nguyên liệu đầu vào, 1 đầu là tiêu thụ đầu ra, cả 2 đầu đều “có vấn đề”, người nông dân vừa gánh vừa bị “lắc lư” trong thế dễ ngã. Liên kết vùng thực hiện “tam nông” là cơ chế, chính sách mà người nông dân đang cần.

Cụ thể hoá cơ chế liên kết vùng thành 5 dự án thực hiện “tam nông”, có thể nói đó là “phát minh chính trị” đầu tiên của các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, là công sức tập thể của các nhà khoa thuộc Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Trường ĐH Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương và khích lệ làm mô hình mẫu. Nội dung cụ thể của 5 dự án đã được Trang ĐBSCL Báo Lao Động giới thiệu tóm tắt trên số ra kỳ trước, ở đây chỉ nói thêm một ý khái quát.

Mục tiêu tổng quát của 5 dự án là tăng cường liên kết vùng trong triển khai thực hiện, lồng ghép các chương trình, dự án trong vùng có liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm phát huy lợi thế, hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng lĩnh vực, nhất là các sản phẩm thế mạnh của vùng là lúa gạo, trái cây, cá da trơn, tôm; đào tạo nghề cho nông dân; tăng thu nhập cho nông dân; góp phần thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tại vùng ĐBSCL.

Thực hiện “tam nông” là một tiêu điểm của liên kết vùng!