00:00 Số lượt truy cập: 2638331

Tiền Giang: Kết quả Sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về khoa học công nghệ 

Được đăng : 03/11/2016

Kết quả Sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “Về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. 


Trong những năm qua, cùng với cả nước, Tiền Giang đang trong tiến trình xây dựngphát triển theo hướng CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các ngành kinh tế đều đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Tiền Giang là một trong những tỉnh có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước phát triển ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Mạng lưới giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh - đặc biệt là tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đưa vào vận hành đã giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách thời gian từ thành phố Mỹ Tho đến thành phố Hồ Chí Minh; mạng lưới đường thủy thuận lợi nên có điều kiện để đưa KH&CN phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương. Chính vì vậy đã tạo cho tỉnh Tiền Giang có nhiều thuận lợi:

-Tiềm năng về kinh tế nông nghiệp của tỉnh đa dạng và phong phú là môi trường thuận lợi để ứng dụng KH&CN theo hướng CNH, HĐH, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, đồng thời đây cũng là nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến công nghiệp.

-Với tiềm năng lao động và sự đa dạng các ngành nghề truyền thống đòi hỏi có sự tác động của KH&CN để nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc mở ra các ngành nghề mới, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân.

-Trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, các ngành kinh tế đều đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của KH&CN để nâng cao chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh.

-Điều kiện tự nhiên không ngừng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân trong tỉnh đòi hỏi các giải pháp về KH&CN để tạo thế cân bằng.

-Nông dân có điều kiện và khả năng tiếp thu KH&CN vận dụng sáng tạo vào sản xuất và đời sống.

Bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn:

-Do ở cuối nguồn sông Cửu Long, một số vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường nước mặt, bên cạnh đó có vùng nằm ở địa thế thấp nên thường bị ngập lụt gây bất lợi cho sản xuất và đời sống.

-Đời sống của nông dân có nâng lên nhưng mức thu nhập còn thấp làm hạn chế việc huy động các nguồn lực cho công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn ở địa phương. Trong nông nghiệp, mặc dù sản xuất hàng hóa có phát triển nhưng vẫn ở quy mô nhỏ, các loại hình sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và lớn phát triển chưa nhiều (doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã).

-Tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, đây là một thách thức lớn trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện của Ban chấp hành, Ban Thường vụ

Sau khi có Chương trình phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2005 - 2010, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã có chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân với Sở KH&CN giai đoạn 2010-2015. Thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “Về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn”, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch số 29-KH/HND ngày 18/8/2006 để hướng dẫn tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết trong hệ thống Hội và sau đó triển khai, tuyên truyền rộng rãi đến hội viên, nông dân trong tỉnh.Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết được quan tâm thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, do vậy hoạt động khoa học của các cấp Hội trong 10 năm qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, góp phần xây dựng tổ chức Hội và các phong trào nông dân vững mạnh và phát triển bền vững.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt học tập, triển khai Nghị quyết luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện; thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt của Hội Nông dân các cấp... Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền, cung cấp thông tin về KHCN, những kinh nghiệm, điển hình trong nông nghiệp trên bản tin Website của 2 ngành, tập san thông tin KH&CN, bản tin Hội Nông dân tỉnh nhằm thông tin nhanh tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, thông tin kinh tế - xã hội đến hội viên nông dân. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tiền Giang.

Ngoài việc triển khai, tuyên truyền nội dung Nghị quyết 06, các cấp Hội còn dựa vào các chính sách, pháp luật về phát triển KH-CN như Luật Chuyển giao công nghệ (2006); Luật Công nghệ cao (2008). Kế họach phát triển KH&CN của tỉnh giai đọan 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/09/2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 06/12/2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2020.

Công tác kiểm tra, đánh giá: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, hàng năm thành lập các đoàn kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân đối với các huyện, thành, thị, các cơ sở Hội trong đó gắn nhiệm vụ kiểm tra, nắm bắt kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết về công tác khoa học với kiểm tra công tác Hội. Hàng năm tỉnh Hội khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ theo các chuyên đề.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện Đề tài khoa học “Giải pháp ổn định, nâng cao sản xuất, đời sống nông dân và hoạt động tổ chức Hội Nông dân cơ sở tại tỉnh Tiền Giang sau thu hồi đất phục vụ phát triển khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” và bước đầu nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo.

2- Kết quả thực hiện các nội dung Nghị quyết

a- Phối hợp tổ chức học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân:

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tiếp thu khoa học công nghệ cho cán bộ Hội được các cấp Hội quan tâm, trong đó chú trọng kỹ năng tuyên truyền vận động; hướng dẫn nông dân tiếp cận Internet, khoa học kỹ thuật, những tiến bộ mới trong nước, trên thế giới để áp dụng vào công tác và hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp...

 - Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật khai thác thông tin trên mạng Internet về nắm bắt thông tin thị trường, có 1.625 cán bộ, hội viên dự.

b- Đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao KHKT và công nghệ cho nông dân:

Phối hợp ngành NN&PTNT, các Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật, Chi cục thú y, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, hội thảo kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, điểm trình diễn đồng ruộng, mãnh vườn để chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây, con cho nông dân dự. Hội lồng ghép nội dung áp dụng khoa học công nghệ và chỉ đạo phát động phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là tiêu chí đánh giá kết quả của địa phương, đơn vị và của hộ nông dân.

Phối hợp Trung tâm học tập cộng đồng thành phố Mỹ Tho triển khai kế hoạch nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất; Cung cấp các tài liệu tập huấn cho nông dân và các đối tượng được tập huấn thông qua các lớp tập huấn và các tờ bướm .

Phối hợp các ngành triển khai ứng dụng Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ rau quả an toàn”, kết quả dự án đã tiếp nhận công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học của Viện Bảo vệ Thực vật (chế phẩm BVTV vi sinh vật dạng bón gốc và Pheromol) và Viện lúa ĐBSCL (chế phẩm nấm có ích Beauveria và Metarizhium). Sản xuất thử nghiệm 200 tấn chế phẩm sinh học dạng bón gốc; 150.000 mồi pheromone các loại và 500 kg chế phẩm nấm có ích; Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án “Áp dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhằm phát triển vùng xòai cát Hòa Lộc vùng Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang theo tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P”, kết quả đã: Xác nhận 01 cây đầu dòng; xây dựng mô hình nhân giống xoài 15.000 cây; Mô hình cải tạo 30 ha vườn xoài theo hướng GAP; Mô hình trồng mới 20ha vườn xoài theo hướng GAP; Công nghệ xử lý trái tươi trước và sau thu hoạch; Công nghệ chế biến xoài: Xoài sấy khô, bột xoài hòa tan, nước xoài đóng chi, xoài muối chua.

c- Tăng cường công tác ứng dụng khoa học:

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành khoa học; Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư; Trạm Bảo vệ thực vật, Chi cục thú ý, Chi cục bảo vệ môi trường... ứng dụng, lai tạo thành công nhiều loại giống cây, con phục vụ cho nông dân trong sản xuất lúa, cây ăn trái, nhân giống heo siêu nạc và trong nuôi trồng thủy sản... Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo bảo vệ môi trường, vệ sinh nước sạch nông thôn.

- Trên lĩnh vực sáng tạo:

Những năm qua, ở Tiền Giang có nhiều nông dân tự suy nghĩ sáng tạo, phát minh, sáng chế những công cụ đắc lực phục vụ sản xuất nông nghiệp: Nổi bật là sáng chế bét phun nước, cần bao trái, kéo cắt tỉa, kéo cắt cành, máy đóng lổ màng che phủ đất trồng cây ngắn ngày; sáng chế máy xới cải tiến; sáng chế máy rửa xe cải tiến thành máy tưới phun sương tưới nấm tự động; sáng chế thiết bị hẹn giờ chạy quạt oxy cho ao tôm; sáng chế máy cưa CD tự động...

d- Củng cố tổ chức, bộ máy thực hiện công tác khoa học - công nghệ:

Sau khi có Nghị quyết 06, Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chỉ đạo trong hệ thống Hội gắn triển khai, thực hiện Nghị quyết với việc tăng cường củng cố cán bộ, nhất là xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh để làm nòng cốt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân vừa áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, vừa tìm tòi nghiên cứu sáng chế những dụng cụ thiết yếu để phục vụ sản xuất, đời sống.

e- Gắn công tác khoa học - công nghệ với các phong trào thi đua và công tác Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh:

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong quá trình thực hiện luôn đi liền với áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2006, có Nghị quyết 06 ra đời thì việc gắn kết, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là việc làm không thể thiếu, đời hỏi nông dân phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi và động não để cải tiến, sáng chế những công cụ, thiết bị mới để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều đột phá trong việc triển khai, thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt đẩy mạnh công tác hỗ trợ, dịch vụ sản xuất, tư vấn, giải quyết việc làm cho nông dân rất tốt. Phối hợp các ngành khoa học, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đầu tư các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất, phân bón, thuốc BVTV, thú y, thuốc chữa bệnh cho con người… giúp nông dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp và đời sống rất hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm cao trong việc nòng cốt tuyên truyền, vận động nông dân (người là chủ thể) trong việc chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng lớn. Kết quả đến nay đã ra mắt đạt chuẩn 13 xã nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2016 ra mắt đạt chuẩn 12 xã nông thôn mới. Tham gia thực hiện 40 ha cánh đồng lớn áp dụng lúa Jasmine xuất khẩu tại xã Bình Đông, Bình Xuân (thị xã Gò Công) đạt thắng lợi, cho năng suất bình quân 9 tấn/ha, được Công ty lương thực Tiền Giang bao tiêu xuất khẩu 100%, nông dân rất phấn khởi.

II- ĐÁNH GIÁ CHUNG

Hội Nông dân phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh các hội khoa học kỹ thuật tỉnh và các ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung đưa khoa học - công nghệ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

Trong nông nghiệp, hoạt động sản xuất phong phú, đa dạng, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tiềm năng nông nghiệp được khai thác tốt hơn, việc thâm canh, ứng dụng giống mới cải tạo vườn tạp, phục tráng giống và trồng xen, nuôi xen trong kinh tế vườn được đẩy mạnh, việc nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Kết quả cũng đã tạo ra nhiều quy trình, giải pháp, mô hình về khoa học công nghệ như là qui trình trồng rau, lúa gạo, trái cây hữu cơ an toàn. Nhiều quy trình, mô hình được phổ biến và áp dụng vào đời sống sản xuất, tạo bước đột phá dẫn đường cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo.

Cho đến nay, ở Tiền Giang đã có một nhóm nông dân đứng ra thực hiện một cách bài bản việc sản xuất lúa gạo, trái cây an toàn theo tiêu chuẩn tiên tiến. Các mô hình GAP hiện tại trên địa bàn tỉnh là do các nhóm nhà khoa học thực hiện bằng kinh phí đề tài, dự án. Việc thực hiện các mô hình GAP này có tác dụng: Giới thiệu cho nông dân mô hình sản xuất tiên tiến tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn có khả năng cạnh tranh trên các thị trường cao cấp, cung cấp kiến thức cho một số nông dân, cán bộ kỹ thuật địa phương khái niệm GAP và phương pháp thực hành GAP, tạo cơ hội cho nông dân ứng dụng lý thuyết và thực hành GAP trong thực tế sản xuất. Được hướng dẫn tổ chức thực hiện sản xuất theo GAP, loại hình tổ hợp tác sản xuất này hứa hẹn là nhóm nông dân tiên phong trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP nhằm tạo ra nhiều sản phẩm lúa gạo, trái cây có chất lượng cao và độ an toàn được đảm bảo mang đến cơ hội cho nông sản Tiền Giang xâm nhập vào thị trường các nước láng giềng, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

Hoạt động khoa học và công nghệ được các cấp Hội tuyên truyền, phát triển mạnh mẽ; tập trung, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, vận động cán bộ hội viên, nông dân tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của hội viên. Hoạt động khoa học của các cấp Hội đã góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2006-2016./.