00:00 Số lượt truy cập: 2638478

Trà Vinh: Thiếu trầm trọng thức ăn cho đàn bò 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay tỉnh Trà Vinh có tổng đàn bò lên đến 148.000 con. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, bình quân mỗi con bò cần tiêu thụ từ 200 đến 300 kg/ngày, nghĩa là mỗi ngày tỉnh cần khoản 2.500 tấn cỏ và một số thực phẩm khác. Nhưng hiện nay, số cỏ cho bò mỗi ngày chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu. Thiếu thức ăn trầm trọng, cộng với giá bò thịt, bò giống đang sụt giảm, làm cho người chăn nuôi bò và nhiều trang trại nuôi bò có nguy cơ bị phá sản.


Từ năm 2001, tỉnh Trà Vinh triển khai 3 dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và bò sinh sản với kinh phí hơn 81,9 tỷ đồng. Chưa kể các dự án chăn nuôi bò do các ban ngành triển khai. Tỉnh coi đây là giải pháp giúp dân xoá đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Để khuyến khích nông dân chăn nuôi bò, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án nuôi bò theo quy mô trang trại. Hầu hết, các dự án đều theo hướng nuôi nhốt và dễ dàng trong xử lý các loại dịch bệnh, chất thải. Trong 5 năm qua, số lượng tổng đàn bò không ngừng tăng, tốc độ mỗi năm tăng 17%. Trong đó 45% là giống bò lai Sind. Đàn bò phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra, đàn bò phát triển nhưng diện tích trồng cỏ không phát triển mà ngày càng thu hẹp và cạn kiệt. Tập quán nuôi bò chăn thả và cắt cỏ cho bò ăn không còn phù hợp. Nhất là vào mùa khô, việc tìm thức ăn cho bò ngày càng khó khăn hơn. Một thời gian dài thiếu thức ăn, nhất là thiếu hẳn các loại cỏ dưỡng chất cao đã ảnh hưởng đến chất lượng đàn bê, sản lượng sữa và chất lượng bò thịt. Với đàn bò gần 48.000 con, tỉnh Trà Vinh cần đến khoảng 1.500 ha đến 2.000ha cỏ. Trong khi hiện nay diện tích trồng cỏ cho bò mới đạt khoảng 500 ha.

Tiềm năng chăn nuôi bò ở Trà Vinh còn lớn. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phát triển chăn nuôi trong 6 năm qua nhưng thực hiện lại thiếu đồng bộ; thêm vào đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở chưa được quy hoạch cụ thể và chưa có chính sách tài chính để thực hiện. Trước tình hình trên, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò nhưng người dân đang cần có quy hoạch và hướng dẫn cụ thể, nhất là người dân đang cần được ngành nông nghiệp cung cấp các giống cỏ chất lượng cao như cỏ sả, cỏ voi… giúp nông dân giải quyết bài toán thức ăn cho bò. Nếu không các dự án trồng cỏ chăn nuôi bò thì nguy cơ phá sản dự án phát triển đàn bò là khó tránh khỏi.