00:00 Số lượt truy cập: 2638421

Trang trại của chị Vân 

Được đăng : 03/11/2016
Về xã Thạnh Trị (Bình Ðại), ai cũng biết chị Phạm Thị Vân nổi danh ở Bến Tre nuôi cá sấu. Mười bảy tuổi đầu buộc phải xuất gia, đến năm 35 tuổi trở về nhà làm kinh tế. Có lẽ chính khoảng thời gian "tiếng mõ lời kinh" đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình làm giàu, mà người đến thăm trang trại không khỏi trầm trồ bởi những việc làm của chị.



Vượt lên số phận

Ðối với chị Vân đâu cũng là nhà. Quê gốc của chị không phải ở Bình Ðại, mà là xã Phong Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre), một trong những nơi mà giặc Mỹ năm xưa dùng bom xăng thiêu rụi làng mạc, rất thảm khốc. Trong một bài thơ của Tố Hữu có câu "Mẹ ơi, nóng quá cứu con mau", chính là nói về quê của chị. Mẹ đi công tác, bị bệnh chết trong rừng. Cha phải bồng bế các con về gửi cho người em ở Tiền Giang nuôi hộ. Rồi cha cũng hy sinh. Chú theo con đường cha, hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Nghe tin cha chết, người anh về cũng bị bom xăng đốt cháy ở Vang Quới (Bình Ðại). Chị không nói động cơ xuất gia, nhưng có lẽ gia cảnh đó đã ám ảnh chị, đưa chị vào cửa phật, lấy tiếng mõ, lời kinh để giải thoát. Mười tám năm tu hành đã đủ để cho chị hiểu rằng: "Ði tu trong chùa là làm phước cho mình, giữ bản thân mình, còn tu ngoài đời là làm tốt cho người, trong đó có mình" - chị đã nói vậy, và kết luận: "Tui không biết phước đức gì ráo, thấy việc phải, có lợi cho người thì tui làm".

Khi cống đập Ba Lai vận hành, từ số tiền dành dụm, chị mua được một héc-ta đất, nằm lọt thỏm trong một vùng toàn là những thứ cây hoang dã nước mặn, như chà là gai, lức, bần... - chị nói: "Lúc đầu vô đây ai cũng ngán. Toàn là lức và gốc kèn, mùa khô sâu lức vô kể, ngứa ơi là ngứa. Mấy cô gái thấy sâu là chạy về hết, tui nhảy vô chặt đại, sâu bò lổm ngổm đến cổ, nửa tháng sau còn bầm mình. Ðường đi chưa có, phải lội, mấy chú công nhân đào ao bàn ra: "Làm thấy ngán quá cô ơi, không biết có ăn không". Nhưng có lẽ do bản tính chịu thương chịu khó trong con người chị, nên trong ao, con cá cứ lớn lên theo năm tháng. Diện tích đất ngày càng mở rộng, bên ngoài sông Ba Lai lại được bồi thêm. Cộng dồn cũng gần bốn héc-ta. Người ta gọi "trời phật" cùng thiên nhiên phù hộ chị là vậy.

Làm giàu để giúp đời

Hiện thời, trang trại của chị có tám ao. Trước đây, nuôi cá phi dòng ríp, nay vòng qua một lượt thấy có mặt các loại cá tra, cá lóc, cá sấu, ba ba. Một ao cá tra gần 150 nghìn con, cá lóc một trăm nghìn con. Vừa rồi chị mới bán hai ao cá lóc bông gần 20 nghìn con. Ba ba hơn 15 nghìn con, trong đó ba ba bố mẹ gần năm nghìn. Nhưng nhiều người biết đến trang trại, có lẽ trước hết là do chị có một đàn cá sấu 450 con, từ 15 đến 20 kg một con - lớn nhất tỉnh. Ðứng trước đàn cá sấu đang độ sinh sản, tôi hỏi về chuyện học hành của chị năm xưa, chị cười: "Tôi mồ côi, không nhà không cửa, thì làm gì học được lên cao. Chủ yếu học lỏm từ người khác. Cái gì có lợi cho đời thì tôi làm".

Nhìn chị đang ngồi bên chiếc máy khâu vá lại quần áo rách của công nhân, trên vách phía sau cả hàng chục bằng khen, trả lời câu hỏi "về thu nhập của trang trại và lương công nhân" không giống một bà chủ chút nào: "Ðâu có là bao. Thấy nhiều như vậy, chứ năm rồi lời chưa tới 200 triệu đồng. Tiền công mỗi tháng mỗi em bình quân một triệu đồng, chưa tính tiền thưởng hàng đợt, hàng năm và ba bữa cơm trong ngày. Anh coi, tám người ở cơ sở nuôi, ba mươi người ở cơ sở chế biến thức ăn, thì tổng chi phí hai khâu tiền lương và ăn, mỗi tháng cũng hơn 50 triệu đồng". Nhìn kỹ, con số đó không phải nhỏ so với cơ sở của chị, đúng như tiếng lành đồn xa: "Ít có người làm kinh tế mà nặng tình như chị".

Quanh các ao hiện giờ là cây so đũa, phục vụ đàn dê hơn mười con. Dưới gốc là rau muống, rau lang cho mấy mươi chú thỏ con xinh xắn trong chuồng. Lá so đũa dùng để nuôi dê, thân cây lớn lên làm nấm, rồi làm củi. Thỏ để cải thiện và đãi khách khi cần. Nhưng đó chỉ là trước mắt. Ngoài so đũa đã có xoài cát Hòa Lộc, xoài tứ quý, bưởi da xanh, bưởi "năm roi" và "li ti" hàng mấy nghìn cây mai vàng, mai tứ quý - chị nói "những cây đó sẽ nuôi tui ở tuổi già".