00:00 Số lượt truy cập: 2668323

Ứng dụng thương mại điện tử: Ngành hàng nông sản tiên phong 

Được đăng : 03/11/2016

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ là quá trình mua bán thông thường mà còn là dịch vụ khách hàng, kết nối các đối tác kinh doanh, tiến tới thực hiện các giao dịch điện tử,… đáp ứng xu thế hội nhập.



Thời gian qua, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã hỗ trợ ứng dụng TMĐT, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh.

Ứng dụng thương mại điện tử giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Trong ảnh: Nhiều sản phẩm nông sản vẫn chủ yếu mua bán theo kiểu truyền thống.

Theo trung tâm, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là triển khai TMĐT trong hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng nông sản được Sở Nông nghiệp- PTNT tập trung chú trọng.

Việc làm này góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các nông sản chủ lực của tỉnh và các sản phẩm nông sản khác của các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã..., đồng thời đưa TMĐT dần thay thế thương mại truyền thống và trở thành một công cụ để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp phù hợp xu thế hội nhập.

Được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2010, sàn giao dịch nông sản trực tuyến Vĩnh Long đã kịp thời thông tin xúc tiến thương mại, giá cả thị trường nông sản, chính sách của Nhà nước, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa,...

Thông tin giới thiệu, quảng bá cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như tiềm năng cung cấp, trao đổi mua bán các loại nông sản.

Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nội địa và thị trường quốc tế đẩy mạnh xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, tuyên truyền, quảng bá dịch vụ, sản phẩm.

Ông Phan Thanh Long- Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn) cho biết đến nay sàn giao dịch đã đạt được một số thành công bước đầu hết sức khả quan với 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trong tỉnh được hỗ trợ quảng bá thông tin, kết nối cung cầu sản phẩm.

Theo đó, trên 150 sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh như: bưởi Năm Roi, mai vàng Phước Định, bánh tráng nem cù lao Mây, khoai lang Bình Tân,… được quảng bá rộng rãi trên sàn giao dịch này.

Mỗi tháng sàn giao dịch nông sản nhận được hơn 20 lượt trao đổi, giao thương, xúc tiến thương mại từ khắp các tỉnh - thành trong nước.

Nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh, thời gian qua, đã có 26 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề đã được hỗ trợ xây dựng và thiết kế website riêng và trung tâm tiếp tục hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trong năm 2016.

Số lượt truy cập trên sàn giao dịch TMĐT ngày càng nhiều đến nay đã có hơn 3,8 triệu lượt người truy cập. Trong đó, mỗi tháng thu hút hơn 11.200 lượt người truy cập. Qua đó khẳng định mối quan tâm của doanh nghiệp cũng như lợi ích và vai trò của TMĐT trong hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh.

Từ sự hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, đăng tải thông tin trên sàn giao dịch TMĐT, trên website Sở Nông nghiệp - PTNT Vĩnh Long, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm… một số doanh nghiệp đã thành công trong việc mở rộng đối tác, thị trường, giới thiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Chí Thiện- Chủ cơ sở sản xuất tương Phước Khang (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết, trước nay cơ sở tìm kiếm thị trường thông qua các kênh đối thoại trực tiếp, việc quảng bá sản phẩm kết nối cung cầu thông qua TMĐT khá mới mẻ nhưng đây là kênh quảng bá sản phẩm và giao thương với khách hàng trong và ngoài nước được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Ông phấn khởi cho biết, sắp tới đây cơ sở sẽ được hỗ trợ xây dựng website riêng và hy vọng đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc ứng dụng TMĐT trong kinh doanh của đơn vị.

Đóng vai trò kết nối giao thương, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành hàng cho 65 doanh nghiệp và 15 hợp tác xã, làng nghề trong toàn tỉnh.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, cho biết, thông qua quảng bá trên trang thông tin điện tử, nhiều khách hàng quan tâm đến những sản phẩm của Vĩnh Long đã kết nối cung cầu với cơ sở sản xuất của tỉnh.

Hiện số doanh nghiệp có website riêng còn ít và đa phần các website này chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm, chưa thực hiện được giao dịch trực tuyến. Chưa kể, thói quen mua bán hàng truyền thống vẫn còn in sâu trong tư tưởng hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.

Do đó, để việc ứng dụng TMĐT hiệu quả, bên cạnh hỗ trợ của ngành chuyên môn thì luôn cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

LÊ SƠN