00:00 Số lượt truy cập: 2668040

Vệ sinh thân thể động vật 

Được đăng : 03/11/2016

Vệ sinh thân thể động vật bao gồm 3 việc chính sau: Vệ sinh về da; Vệ sinh về chân và móng; Vệ sinh về vận động.


1. Vệ sinh về da:

Có rất nhiều kích thích từ bên ngoài thông qua da mà ảnh hưởng đến cơ thể. Da sạch sẽ, lành mạnh thì cơ thể mới khỏe mạnh. Nếu chăm sóc da không tốt thì da và lông sẽ dính nhiều vật bẩn, các tuyến của da bị tắc, sinh ngứa; da bị ve, ghẻ, rận, con vật kém ăn ngon, chậm lớn, sức chống đỡ với bệnh tật giảm sút.

Nên thường xuyên xát chải cho động vật, nhất là động vật cày kéo, động vật nuôi lấy sữa. Xát chải là làm cho da sạch sẽ và kích thích thần kinh cũng như mạch máu ngoài da, làm cho sự trao đổi chất của cơ thể tăng cường, con vật muốn ăn nhiều hơn và cuối cùng là sức sản xuất tăng. Thần kinh, mạch máu được rèn luyện nên hoạt động mạnh hơn, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể động vật.

Có thể dùng bàn chải để chải cho động vật.

Tắm ảnh hưởng rất tốt đến thần kinh, bắp thịt, làm cho con vật đỡ mệt mỏi, tăng cường hô hấp và trao đổi vật chất. Tắm là một phương pháp tốt để con vật ăn nhiều thêm, rèn luyện cho động vật chống đỡ với bệnh tật. Phải cho động vật tắm nước sạch, mùa hè tắm nước mát. Tắm trước khi ăn từ 1-1.5 giờ. Nếu con vật đang ra mồ hôi thì không nên cho tắm ngay.

Mùa lạnh không nên cho động vật tắm, cần bảo vệ cơ thể để tránh mất nhiệt.

Ngoài ra phải luôn luôn trừ ve, rận, ghẻ và có kế hoạch diệt ruồi, muỗi, chuột.

2. Vệ sinh về chân và móng

Chân và móng của động vật là bộ phận dễ bị bẩn, làm nứt da, mềm móng, thối móng. Mùa lạnh nếu không giữ vệ sinh chân của trâu cày thì dễ sinh bệnh cước chân. Chân của con vật bị lạnh thường làm cho máu ít lưu thông, do đó tổ chức của chân sưng phù lên, tím ngắt, nếu không kịp thời chữa, có thể trâu bò không đứng dậy được. Khi chăn thả, tốt nhất là không cho trâu bò dẫm vào những chỗ lầy lội. Khi qua suối, nên bồng những bê, nghé mới sinh không để cho lội qua nước lạnh.

Đối với những con vật cày kéo, sau khi làm việc cần phải rửa ngay. Nếu đóng móng sắt (đối với ngựa và bò kéo) thì phải luôn luôn xem xét xem những kẽ móng chân có vật gì vướng không. Điều quan trọng nhất là giữ cho chuồng luôn luôn sạch sẽ, khô ráo để khỏi hỏng móng động vật.

Vệ sinh móng cần phải đặc biệt chú ý đối với động vật cày kéo và đực giống.

3. Vệ sinh khi vận động

Thông thường không khí trong chuồng nuôi không được tốt lắm, ánh sáng trong chuồng (đặc biệt là về mùa đông, hoặc về mùa hè mà chuồng lại quá kín) cũng không đủ cho yêu cầu sinh trưởng và phát dục của động vật nhất là đối với động vật đang lớn. Mặt khác, nếu nhốt lâu trong chuồng chật hẹp cũng làm giảm tính chất hoạt động của động vật và cả gia cầm. Hậu quả có thể là kém ăn, sức chống đỡ với bệnh tật giảm sút. Vì vậy, trừ những con vật vào cuối thời kỳ vỗ béo, còn mọi động vật cần được vận động.

Vận động rèn luyện cho cơ thể động vật chịu đựng được những điều kiện thay đổi của khí hậu và thời thiết đột ngột, các chức năng tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp và trao đổi chất mạnh hơn. Thực tiễn của ngành chăn nuôi cũng như nhiều thí nghiệm đã chứngminh, vận động hợp lý giữ được sức khỏe và nâng cao sức sản xuất của động vật về mọi mặt: sản lượng sữa, trọng lượng bê con đẻ ra, lượng tinh dịch và phẩm chất tinh dịch của đực giống.

Chuồng lợn nái, lợn con, lợn choai, lợn đực giống đều phải có sân vận động sạch sẽ, đủ ánh sáng, không khí thích hợp cho từng loại hơn. Nếu không được chăn thả thường xuyên, thì trâu bò đực giống hàng ngày phải được vận động, nhất là vào mùa giao phối./.