00:00 Số lượt truy cập: 2668598

Vệ sinh và phòng trị bệnh cho dê 

Được đăng : 03/11/2016

1. Vệ sinh chuồng dê

Trước khi thả dê vào chuồng, bạn cần rửa sạch chuồng và những dụng cụ rồi đem chúng ra phơi nắng. Sau đó, bạn có thể phun xịt hay ngâm chúng trong các loại thuốc sát trùng. Hiện nay, có nhiều loại thuốc sát trùng khác nhau trên thị trường, bạn cần chọn loại thích hợp và pha đúng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Khi sát trùng xong, bạn để vài ngày cho bay hết hơi độc rồi mới cho dê vào chuồng.


2. Phát hiện dê bị bệnh

* Vài vấn đề về sinh lý của dê

Dê có thân nhiệt bình thường là 39,5-40,5oC. Lúc thân nhiệt hạ thì thường ở 39oC hoặc thấp hơn đôi chút, còn khi sốt nhẹ thì thân nhiệt tăng khoảng 41-41,5oC, lúc sốt cao đến 42oC trở lên.

Thân nhiệt của dê còn chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường bên ngoài và những tác nhân kích thích khác. Nếu trời quá nóng, độ ẩm cao hay lúc đang sợ hãi thì thân nhiệt của dê tăng lên…

Dê có nhịp tim đập 70-80 lần/phút, ở dê con thì nhanh hơn; nhịp thở 12-15 lần/phút, ở dê con cũng nhanh hơn. Riêng nhu động dạ cỏ thì khoảng 2-3 lần/2 phút.

* Quan sát các triệu chứng bệnh của dê

Hàng ngày, bạn nên quan sát cả đàn dê để phát hiện ra những con có thể đã bị bệnh qua các biểu hiện sau: Khó thở hoặc thở nhanh, thở nghe lạ tai, lờ đờ, chậm chạp, kém hoặc bỏ ăn, đi đứng không vững, nghiến răng hoặc có những hành động  bất thường…

Khi nhận ra những triệu chứng trên, bạn cần kiểm tra kỹ để phát hiện xem chúng bị bệnh gì.

-Trước hết bạn quan sát dê từ xa xem nó đứng có vững không, đi lại có bình thường không, có biểu hiện gì đau đớn không, bụng có phình trướng hay trên thân thể có chỗ nào sưng không…?

Ngoài ra, bạn cần đếm nhịp thở của dê trong 1 phút xem sao (mỗi nhịp thở là một lần hít vào và thở ra).

-Sau đó bạn đến gần giữ dê ở cổ hoặc nắm tai, sừng để quan sát rõ hơn. Không nên làm dê hoảng sợ, tháo chạy vì như thế thân nhiệt, nhịp tim và nhịp thở của dê sẽ tăng lên.

-Kế tiếp, bạn đo thân nhiệt dê: Cầm nhiệt kế vảy vài lần để mức thủy ngân xuống còn 35oC rồi đút nhiệt kế vào hậu môn của dê, để yên trong đó 3 phút rồi lấy ra đọc thông số nhiệt độ.

-Đếm nhu động dạ cỏ: Bạn đặt lòng bàn tay lên bụng dê (bên trái), ấn nhẹ xuống rồi đếm thầm số lần nhu động của dạ cỏ trong 2 phút.

-Đếm nhịp tim mạch: Bạn đặt ngón tay trỏ và ngón giữa vào chỗ xương sườn bên trái, phía dưới sau hai chân trước rồi đếm số nhịp tim của dê trong 1 phút.

-Quan sát màu của niêm mạc mắt và miệng: Màu hồng là bình thường (không kể vùng niêm mạc màu đen chỗ mép miệng).

-Quơ tay nhẹ nhàng qua lại trước mắt dê xem nó có chớp mắt không. Nếu bình thường, dê sẽ nháy mắt.

-Lắng nghe xem dê có ho, thở nặng nhọc, nghiến răng không. Nếu có thì dê có thể bị đau ở vùng ngực hoặc bụng.

-Nếu dê trong giai đoạn tiết sữa thì quan sát sữa coi có bị đục hay có máu không; sờ nắn bầu vú xem có nóng, sưng hay không và kiểm tra coi vú có bị đỏ không.

-Đặt ống nghe hay áp sát tai vào bụng và ngực dê rồi lắng nghe. Nếu có tiếng động lạ thì cần kiểm tra kỹ hơn.

Sau khi kiểm tra các dấu hiệu bất thường xong, bạn đối chiếu với một số triệu chứng lâm sàng của dê trong những bệnh thường gặp. Các triệu chứng ấy có thể là biểu hiện chung cho một số bệnh, tuy nhiên bạn có thể sàng lọc dần để định đúng bệnh./.