00:00 Số lượt truy cập: 2668112

Về thăm cánh đồng vàng ở Nghệ An 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là mô hình của xã Tân Sơn (huyện Đô Lương), được thực hiện ở xóm 3 và xóm 9, cho thu nhập cao nhất hiện nay ở xứ Nghệ (90 triệu đồng /ha/năm). Với quy mô 7,2ha, cánh đồng được áp dụng theo công thức: lạc xuân - dưa hấu vụ hè thu - lạc xuân (xóm 3); lúa xuân - dưa hấu vụ hè thu - bí xanh vụ đông (xóm 9).


“Đây là mô hình mang tính bền vững“,lâu dàil, để từ đó chúng tôi nhân rộng ra toàn xã và các vùng phụ cận” - ông Đào Công Chung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, cho biết. Những năm 1990 trở về trước, một số hộ đã có tập quán làm rau màu nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa chủ động được tưới tiêu. Để chuẩn bị cho công cuộc đổi mới, xã tiến hành cải tạo san lấp mặt bằng, xây lắp đường điện phục vụ cho tưới tiêu, quy hoạch đường sá, mương máng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn đề ra một số cơ chế khuyến khích bà con phát triển sản xuất như: miễn thuỷ lợi phí, cấp 100% tiền giống, 100% kinh phí mua nylon phủ lạc, cam kết nếu thất thu so với trồng lúa 2 vụ trước đây thì sẽ đền bù 50% theo giá thời điểm đồng thời thưởng cho 2 mỗi xóm 1 triệu đồng nếu chuyển đổi thành công.

Sau hơn 3 tháng triển khai, cánh đồng thu nhập cao đã cho thu hoạch. ở xóm 9, vụ đông xuân có 1, 4ha lúa, năng suất 60tạ/ha, với giá bình quân 2, 5 triệu đồng /tạ thì tổng thu là 21 triệu đồng. Vụ hè thu trồng dưa hấu, chỉ tính riêng tiền thu hoạch dưa bao tử dùng để nấu canh (một cây cho từ 4-5 quả nhưng chỉ để lại 1 quả) đã là 12 triệu đồng, năng suất dưa hấu đạt 270 tạ /ha, giá 190.000 đồng /tạ, thu nhập trên 70 triệu đồng. Vụ đông trồng bí xanh thu gần 77 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập của cả 3 vụ là 180 triệu, trừ chi phí, lãi 97 triệu đồng. Vụ đầu thắng lợi, nhiều gia đình có của ăn của để. “Chưa năm nào tôi được mùa như năm nay, tính ra thu lãi gần 10 triệu đồng /vụ” - anh Nguyễn Văn Nguyên ở xóm 3 cho biết. Anh Nguyễn Tốc Lật ở xóm 9 tâm sự: “Trước đây khi chưa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi chỉ độc canh cây lúa, năm nào được mùa thì thu 2,5 - 3 tạ /sào. Nghe theo mấy ông cán bộ xã, tôi mạnh dạn thay đổi cơ cấu mùa vụ và đã có thu nhập gấp 10 lần”.

Thực ra, đề án xây dựng cánh đồng cho giá trị thu nhập cao ở Tân Sơn từng gặp không ít khó khăn. ông Chung cho biết: “Chúng tôi đã phải đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền chuyển đổi. Lúc đầu bà con còn ái ngại, một phần sợ thất bát, lo không tiêu thụ được sản phẩm, phần sợ vất vả, khó nhọc mà kết quả thu được không đáng là bao. Có những xóm phải tổ chức họp năm lần bảy lượt nhưng rồi sự quyết tâm của lực lượng cán bộ cũng lay chuyển được lòng dân”.

Năm 2007, hướng đi mới của Tân Sơn là tiếp tục chuyển đổi ruộng đất, nhân rộng cánh đồng cho thu nhập cao, đề ra mục tiêu phải có 8-10 mô hình trong toàn xã. Mỗi xóm phải xây dựng ít nhất 1ha trở lên để ổn định sản xuất 3 vụ /năm, chuyển đổi trên 50% diện tích sang nuôi trồng các loại cây - con có giá trị kinh tế cao, phấn đấu đưa diện tích đất canh tác có thu nhập trên 50 triệu đồng /ha/năm lên 35%. Với những cố gắng hết mình, Tân Sơn được đánh giá là một trong những xã tiên phong trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng /ha/năm của tỉnh Nghệ An.