00:00 Số lượt truy cập: 2662984

Vị đắng vải thiều Thanh Hà 

Được đăng : 03/11/2016

Với người dân Thanh Hà, cây vải như cây... "vàng"! Người ta thường hỏi thăm nhau về diện tích vườn vải, về số lượng gốc cây để "đo" sự giàu có. Nhưng người dân Thanh Hà vẫn chịu bao cay đắng, đổ bao mồ hôi và cả... nước mắt trên cánh đồng vải! Lại một mùa vải về...!


Dù cùng được nhân giống từ cây vải tổ Thanh Hà, nhưng vì khác thổ nhưỡng, chất lượng vải quả ở Thanh Hà vẫn hơn hẳn nơi khác một bậc.

Nhưng cho dù có được mùa đi nữa thì người nông dân vẫn long đong với bài toán đầu ra. Đã có một vài DN tìm đến với cây vải thiều Thanh Hà, nhưng vẫn chưa "bén duyên"?

Doanh nghiệp đến và cầm cự!

Đầu tiên phải kể đến Cty TNHH chế biến nông sản XK Thanh Hà do ông Tiêu Văn Liên làm giám đốc. Là dân gốc Thanh Hà, từ lâu ông Liên trăn trở tìm cách giữ cho quả vải tươi lâu hơn để giảm thúc bách về thời hạn tiêu thụ. Năm 2003, ông Liên tìm đến Viện Công nghệ của Bộ NN-PTNT. Sau nhiều ngày nghiên cứu, Viện thiết kế cho Cty một kho lạnh 150 m3, chứa được 40 tấn vải một lúc. Kho lạnh này giữ được vải tươi thêm 35 ngày. Vì vậy mà năm 2004, Cty của ông Liên tiêu thụ 120 tấn vải tươi. Đến 2005 và 2006 - 2 năm mất mùa, giá vải cao hơn cộng với chi phí cho vận hành kho lạnh, đóng hộp xốp... khiến giá thành đội lên, thị trường khó chấp nhận. Thành ra, mỗi vụ vải ông Liên chỉ dám "ôm" trên chục tấn.

Có 2 DN có dây chuyền ép nước vải đóng hộp, 1 ở Ninh Bình và 1 từ Bình Dương đã từng về Thanh Hà. Thế nhưng, các DN này đều lấy giá vải ở Lục Ngạn, ở Chí Linh làm chuẩn cho vải Thanh Hà. Do vậy, cuộc đàm thảo đổ bể. Nhưng nếu hợp đồng được ký kết chăng nữa thì lượng vải 2 DN này tiêu thụ cũng không lớn bởi công suất của dây chuyền bóc vỏ vải bằng máy của mỗi DN tối đa cũng chỉ được 2 tấn/ngày. Tính cả vụ, mỗi DN cũng chỉ "gánh" được tối đa 30 tấn - con số quá nhỏ nhoi so với tổng sản lượng vải Thanh Hà năm 2004 là 21.000 tấn!

Vào vụ vải năm 2006, nhiều cơ quan báo chí trong nước đưa tin rầm rầm: "Tập đoàn phân phối Phú Thái - Tập đoàn phân phối lớn nhất cả nước sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền vải thiều Thanh Hà. Theo đó, vải Thanh Hà sẽ có mặt tại trên 200 siêu thị, 2.000 đại lý bán buôn, hơn 100 nhà phân phối phụ và xấp xỉ 50.000 đại lý bán lẻ trên toàn quốc!". Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ông Vũ Đình Bát - Chủ tịch Hiệp hội vải thiều Thanh Hà cho hay, năm ngoái Cty TNHH Phú Thái có ký hợp đồng với Hiệp hội, thời hạn chỉ trong một vụ vải 2006. Vào vụ, mỗi ngày Cty này chỉ tiêu thụ từ 200 - 500 kg. Tổng cộng cả vụ, chỉ tiêu thụ có... 9 tấn! Sang vụ vải 2007, chưa thấy Cty Phú Thái "động đậy" gì...

Sốt ruột, tháng 11/2006, ông Bát dẫn đầu một đoàn nông dân trong Hiệp hội mang vải khô sang tận Vân Nam (Trung Quốc) tham gia hội chợ hàng nông sản. Sau khi thưởng thức vải Thanh Hà, giám đốc Cty Song Thông ở Vân Nam cùng 6 DN Trung Quốc khác đã ký một bản ghi nhớ sẽ làm ăn lâu dài với Hiệp hội, tiêu thụ cả vải khô lẫn vải tươi. Theo đó tới đây, đoàn DN Trung Quốc sẽ sang Thanh Hà để bàn bạc và ký hợp đồng cụ thể.

Chủ động tìm đối tác

Một hướng khác đang được hé mở. Đó là việc Thanh Hà "bắt tay" với Cty cổ phần Thương mại và Xây dựng An Việt ở Quảng Ninh. Giám đốc của Cty này là ông Nguyễn Tuấn Dương - quê gốc Thanh Hà. Ông Dương đã dẫn một đoàn DN phía Nam về nghiên cứu và làm việc với Hiệp hội vải thiều Thanh Hà. Các bên đi đến thống nhất: Cty An Việt sẽ liên kết với một số DN phía Nam để tiêu thụ vải Thanh Hà từ Đà Nẵng trở vào; số lượng cụ thể sẽ quyết định vào cuối tháng này...

Một lần về Hải Dương, đoàn cán bộ của một tổ chức phi chính phủ CH Pháp được chủ nhà mời tráng miệng quả vải Thanh Hà. Một thời gian sau, đoàn cán bộ này trở lại cùng đoàn cán bộ của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức. Với sự tài trợ của 2 tổ chức này, Dự án Dialogs ra đời với kinh phí 100 triệu VND. Dự án giúp Thanh Hà thành lập Hiệp hội vải thiều, những cơ sở vật chất ban đầu cho Hiệp hội... nhằm liên kết những thành viên để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà cả trong và ngoài nước. Mới đây, Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội cùng Đại học Nông nghiệp Vương quốc Bỉ cũng về Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học về vải thiều Thanh Hà. Phía bạn đã cam kết, vụ vải năm nay, họ sẽ đưa vải Thanh Hà sang giới thiệu, quảng bá ở Châu Âu... Cũng cần nói tới nỗ lực tìm đường ra cho vải của TS Nguyễn Văn Khải - con người nổi tiếng cả nước với cái tên thân mật "ông Khải ôzôn". Hai năm nay, ông Khải từ Hà Nội về Thanh Hà đến mòn dép nghiên cứu để cây vải kéo dài thời vụ thu hoạch hoặc bảo quản vải quả tươi lâu hơn. Đây cũng là tiền đề cho các mối quan hệ giữa DN và nông dân để tiêu thụ vải Thanh Hà.

Thế nhưng, tại thời điểm này, lòng người Thanh Hà vẫn nóng như lửa đốt bởi tất cả vẫn chỉ là những bản ghi nhớ chứ chưa có hợp đồng hay những con số cụ thể...

"Lắm mối, tối nằm không"! Mãi đến nay, người nông dân huyện Thanh Hà vẫn mỏi mắt đợi cơ chế để vực cây vải thiều. Bởi họ không thể cứu họ được vì họ khó lòng vượt khỏi gốc vải, cũng như vượt khỏi luỹ tre làng.

Cái cơ chế ấy được bắt đầu từ đâu, ở đâu ra? Chỉ khi chính quyền Thanh Hà, chính quyền tỉnh Hải Dương cùng các DN cả nước... chung tay với Hiệp hội vải Thanh Hà mới vực được cây vải thiều Thanh Hà.