00:00 Số lượt truy cập: 2668663

Việt Nam trồng khảo nghiệm ngô biến đổi gene 

Được đăng : 03/11/2016
Vừa qua, Việt Nam đã trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gene tại Hưng Yên và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một phần trong chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ.

Thông tin trên được Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết tại Hội thảo Công nghệ sinh học: Hướng phát triển cho tương lai, do Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp với Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 30-9, tại Hà Nội.
Tháng 5 và 6 vừa qua, Viện Di truyền Nông nghiệp đã phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Văn phòng đại diện công ty Mosanto Thái-lan tiến hành khảo nghiệm các giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân châu Á, ngô chuyển gen chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate và ngô chuyển gen mang hai gen kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ.
Địa điểm khảo nghiệm là Trạm thực nghiệm Văn Giang thuộc Viện đặt tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và Trạm khảo nghiệm và Hậu kiểm giống cây trồng Đông Nam Bộ ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khu vực trồng khảo nghiệm ngô biến đổi gene được cách ly.

Mục đích của khảo nghiệm là thu thập số liệu phục vụ đánh giá rủi ro đối với môi trường của ngô biến đổi gene và đánh giá hiệu quả kháng sâu hại chủ đích, hiệu quả chống chịu thuốc trừ cỏ của ngô biến đổi gen trong điều kiện sinh thái nông nghiệp Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS, TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, địa điểm trồng khảo nghiệm diện tích chỉ chưa đầy 1.000m2, có hàng rào bảo vệ, được cách ly trong bán kính 200m không có cây trồng cùng loại.

Sâu chết trên giống ngô chuyển gene kháng sâu.

Kết quả bước đầu xác định ngô chuyển gen kháng sâu có khả năng kháng sâu cao hơn hẳn so với đối chứng (chỉ số hại đạt 2,41% so với 64 – 71%). Giống ngô kháng sâu biến đổi gen không hề bị gãy cờ, trong khi tỷ lệ ngô gãy cờ do sâu đục thân gây ra ở cây ngô không biến đổi gene cùng loại chiếm 2-8%. Ngô kháng thuốc diệt cỏ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ, trong khi ngô đối chứng bị nhiễm độc với thuốc trừ cỏ tại thời điểm ba ngày sau khi phun thuốc và chết hoàn toàn sau khi phun thuốc bảy ngày.
Kết quả ban đầu cũng cho thấy chưa có sự khác biệt về đa dạng quần thể bọ đuôi bật Collembola giữa ô thí nghiệm trồng ngô chuyển gen so với ngô không chuyển gen. Điều này thể hiện, chưa thấy cây ngô biến đổi gene gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của môi trường.
Theo PGS, TS Lê Huy Hàm, đầu năm 2011, Viện sẽ khảo nghiệm diện rộng ở hai miền Nam, Bắc các giống ngô biến đổi gene trên. Thu thập và trình hồ sơ về an toàn thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm các giống ngô biến đổi gene. Và dự kiến sẽ thương mại hóa sản phẩm ngô biến đổi gene từ cuối năm 2011, đầu năm 2012.
“Đi tắt đón đầu” hay nghiên cứu từ đầu?
Theo bà Virginia E. Palmer, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tính đến năm 2009, có 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam, triển khai trồng 134 triệu ha cây sử dụng công nghệ sinh học, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng toàn thế giới.
Ngoài ra, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia đã cho phép trồng các loại cây sử dụng công nghệ sinh học. Xấp sỉ 90 % số nông dân này dân số thế giới sống ở các quốc gia đang phát triển.
Cây trồng sử dụng công nghệ sinh học đã được mua bán khắp thế giới suốt 14 năm qua, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, chỉ tính riêng năm 2008 ước tính đạt 9,2 tỷ USD.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chuyến khảo sát nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học của Mỹ. “Có thể nói họ đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc sử dụng công nghệ biến đổi gen trong việc chọn tạo các giống ngô và đậu tương có khả năng chống chịu để sản xuất ở Mỹ. Cụ thể, hiện nay 80% lượng ngô của Mỹ là biến đổi gen, còn đậu tương là 40%. Vì thế, Mỹ là nước có năng suất ngô và đậu tương cao nhất hiện nay”.
Ở Việt Nam, từ năm 2006, Chính phủ đã có chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.
Trên thực tế, quá trình nghiên cứu một cây trông biến đổi gene đòi hỏi thời gian 7 đến 10 năm với chi phí từ 50 đến 100 triệu USD và trên một nền tảng công nghệ hiện đại. Vì Việt Nam chưa đủ kinh phí nghiên cứu khoa học cũng như trình độ công nghệ, nên Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo nghiệm trên đồng ruộng một số cây trồng biến đổi gene như ngô, đậu tương và bông đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, cần có cơ chế tiếp thu thành tựu thế giới bằng việc tạo ra các quy chế phù hợp để các thành tựu tạo ra ở nước ngoài có thể ứng dụng ở Việt Nam.
“Vì chúng ta bắt đầu ứng dụng công nghệ gene khi thế giới đã ứng dụng rộng rãi tại 25 nước với lịch sử 15, 16 năm trồng cây biến đổi gene rồi, vì thế chúng ta sẽ có những bước đi thích hợp hơn chứ không thể bắt đầu từ đầu”, PGS Lê Huy Hàm nói.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng:

70% giống bông trồng ở Việt Nam là cây chuyển gene!


“Mặc dù chúng ta chưa triển khai trồng đại trà cây chuyển gene. Nhưng theo tôi được biết, giống bông lấy từ Trung Quốc đã là giống cây chuyển gene rồi. Hiện nay, phải đến 70-80% giống bông của chúng ta lấy từ nước này. Bà con trồng bông rất “mê” giống này, vì năng suất cao, chống được sâu.

Còn giống ngô thì đang khảo nghiệm, còn ai trồng lén thì tôi không biết. Nhưng việc khảo nghiệm là cần thiết để tránh những thảm họa gây ra nếu như nó có. Nhưng cho đến nay, trên thế giới chưa chứng minh được một tác động nào xấu của cây chuyển gene. Hàng chục nhà khoa học được giải thưởng Nobel, hơn 300 nhà khoa học trên thế giới, các phòng thí nghiệm lớn của Anh, Mỹ, Đức… đều ủng hộ cây trồng biến đổi gene. Đó là cơ sở để chúng ta yên tâm khi triển khai cây trồng biến đổi gene ở Việt Nam.

Mà nếu nói ra thì chúng ta ăn mãi rồi. Việt Nam đã mua ngô và đậu tương của Mỹ làm chế biến thức ăn gia súc, nhưng chưa thấy ai dị dạng cả. Người ta sợ cây chuyển gene như sợ “ma”, nhưng chưa ai nhìn thấy nó cả”.