00:00 Số lượt truy cập: 2638204

Vĩnh Phúc: Cà chua Savior ghép trên gốc cây cà tím cho lãi hơn 20 triệu đồng/sào 

Được đăng : 03/11/2016

Phần lớn diện tích trồng cà chua ở Vĩnh Phúc tập trung vào vụ Đông, năng suất cao nhưng giá rẻ, tiêu thụ chậm; vụ Hè diện tích giảm, do thời tiết không thích hợp cho cà chua sinh trưởng, cây bị chết nhiều vì ngập nước, một số bệnh ở rễ, lá, nhiệt độ cao làm giảm tỉ lệ đậu quả, năng suất giảm rất nhiều, nếu không nói là mất trắng. Vì vậy ghép cà chua lên gốc cây cà tím là giải pháp được lựa chọn để hạn chế tối thiểu các trở ngại trên.


Cà chua ghép trên gốc cây cà tím là tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm Phát triển rau Châu Á (AVRDC - Taiwan) chuyển giao cho Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam từ năm 1998, đến nay đã mở rộng ở nhiều vùng trong cả nước, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.


“Bất ngờ quá anh ạ! Bản thân tôi đã nhiều năm làm rất nhiều loại rau quả, nhưng cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím này vẫn làm cho tôi và gia đình thực sự bất ngờ”. Đó là lời bộc bạch của anh Nguyễn Xuân Mạnh, thôn Đại Tự, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc sau khi tham gia mô hình sản xuất giống cà chua Savior ghép trên gốc cây cà tím vụ Thu Đông năm 2012 do Trung tâm kỹ thuật rau hoa quả (TTKTRQ) Vĩnh Phúc triển khai.

Như để khẳng định thêm những điều mình nói là hoàn toàn có cơ sở, anh Mạnh phấn khởi cho biết thêm, được TTKTRQ tỉnh và hợp tác xã giới thiệu cho đi thăm quan mô hình ở Vĩnh Tường, tôi về bàn với gia đình và quyết định tham gia ngay. Gia đình tôi trồng 3 sào, 01 sào trồng trước đã cho thu hoạch trên 1,8 tấn, 2 sào trồng sau giờ mới thu hoạch nhưng cũng đã được trên 400kg, với giá bán trung bình từ 8-12 nghìn đồng/kg, trừ chí phí gia đình cũng đã thu được trên 20 triệu.


Để tìm hiểu hiệu quả thực tế của cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Khoái - chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đại Tự, ông chia sẻ: Hợp tác xã chúng tôi có 62 hộ tham gia sản xuất với diện tích 2 ha, số lượng cây giống là 43.000 cây, thời gian trồng chia làm 2 đợt; mật độ trồng 800 cây/sào, khoảng cách giữa các cây là 40 cm. Qua quá trình theo dõi nhận thấy, cây cà chua ghép giai đoạn mới trồng sinh trưởng phát triển chậm, giai đoạn bắt đầu ra hoa cây phát triển nhanh, tiêu tốn nhiều phân. Cây chịu úng, kháng bệnh tốt, nhất là bệnh héo xanh, xoăn lá do vius, tỷ lệ nhiễm bệnh là 0,01%, thời gian thu hái dài (khoảng trên 6 tháng), trong khi đó tỷ lệ nhiễm bệnh ở cây cà chua không ghép là từ 15-20%. Quả sai, màu chín đỏ, sáng đẹp, cứng, nhiều bột, ăn ngon hơn cà chua không ghép, do đó bán được giá cao hơn so với cà chua thường từ 2-3 nghìn đồng/kg (khoảng 8-10 nghìn đồng/kg). Số quả trung bình trên mỗi cây là 50, khối lượng trung bình một quả là 83,3g. Hạch toán sơ bộ cho thấy lợi nhuận trên 20 triệu đồng/sào, cao gấp 3-3,5 lần so với cà chua không ghép.


Tuy nhiên, điều khiến nhiều bà con tham gia sản xuất cà chua ghép vẫn còn băn khoăn đó chính là cây giống, do Vĩnh Phúc chưa chủ động được giống nên giá thành khá cao, khoảng 1.500 đồng/cây, gấp 4-5 lần so với giống không ghép, trung bình với 800 cây/sào người nông dân đã phải bỏ ra chi phí ban đầu là 1,2 triệu đồng.


Trong khi đó, việc chăm sóc cây cũng cầu kỳ và tốn nhiều công lao động, phải thường xuyên theo dõi, buộc nâng đỡ cây, nếu không cây sẽ gãy cành, năng suất giảm. Giá bán cà chua cũng lên xuống thất thường, do thương hiệu cũng chưa được người tiêu dùng thật sự tin tưởng.


Ông Phạm Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Rau quả Vĩnh Phúc cho biết, mô hình cà chua Savior ghép trên gốc cây cà tím là mô hình mới được đưa vào thử nghiệm ở Vĩnh Phúc, nhưng đã cho thấy được ưu thế và hiệu quả kinh tế vượt trội, được nhiều bà con nông dân trong tỉnh quan tâm. Thời gian tới Trung tâm sẽ kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình tiến tới đưa vào sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.


Có thể nói, mô hình cà chua ghép trên gốc cây cà tím đang mang lại triển vọng, giúp thoát nghèo cho nhiều bà con trong tỉnh. Tuy vậy, việc chủ động cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu ra cho sản phẩm cần được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, để cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân.