00:00 Số lượt truy cập: 2668750

Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016
 Dự án ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường nông thôn do Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tại thôn An Phú xã Hội Hợp (Tam Dương) và thôn Tân Thịnh xã Hợp Thịnh (Vĩnh Yên), đã đem lại hiệu quả cao, được nhiều nơi trong tỉnh học tập áp dụng.

Trước kia, môi trường sống ở thôn An Phú và Tân Thịnh bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải của gia súc gia cầm. Bởi mỗi thôn có tới 80% số hộ tham gia chăn nuôi, trong khi diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng và toàn bộ lượng phân đều thải trực tiếp ra cống rãnh ao hồ. Qua kết quả điều tra tại 300 hộ ở đây kể từ khi sử dụng chế phẩm sinh học Bokashi, EM phun lên cống rãnh, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, hiệu quả là môi trường không còn mùi hôi, giảm được 80% lượng ruồi nhặng, các chất thải nguy hại CDO, BOD5, NH3-N cũng giảm từ 40-60%. Trong khi sản xuất ra chất Bokashi không phức tạp, chi phí thấp nhờ chủ yếu tận dụng nguyên liệu sẵn có như cám gạo chất lượng thấp, trấu xay nhỏ trộn đều với nhau theo tỷ lệ 1-1, chỉ cần phun chất EM lên cám trấu đảm bảo độ ẩm từ 35-40%, ủ yếm khí 5 ngày là có thể dùng được. Dùng chất Bokashi rắc đều trên bề mặt chuồng gia súc gia cầm, với số lượng 50g/m2, sau 4-5 ngày tiếp tục xử lý lại với chi phí trung bình mỗi tháng hết 45.000 đồng/hộ. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tác dụng của chất EM, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách pha chế mới đó là sử dụng 1 lít EM, 1 lít rỉ đường, 18 lít nước hoà đều cho lên men 5 ngày, khi sử dụng pha theo tỷ lệ 1/100 phun trực tiếp lên chuồng trại, cống rãnh. Chi phí sử dụng dung dịch EM từ 7.000-12.000 đồng/tháng/hộ. Đặc biệt hai chế phẩm Bokashi, EM đều không gây độc hại cho người và gia súc gia cầm, lại dễ bảo quản và sử dụng.

Hiện nay đã có hàng chục xã, phường trên địa bàn Vĩnh Phúc thực hiện xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nâng cao sức khoẻ cho người dân, hạn chế dịch bệnh. Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đang tăng cường mở các lớp tập huấn tại các xã phường thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia./.