00:00 Số lượt truy cập: 2662790

Xác định lượng phân bón cho lúa xuân để đạt hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016

Cây lúa có nhu cầu phân bón khác nhau tùy theo từng chủng loại giống, đất đai và khí hậu thời tiết. Việc xác định đúng và cung cấp kịp thời dinh dưỡng theo nhu cầu cho lúa trên từng loại đất và khí hậu thời tiết là rất cần thiết để nâng cao năng suất (NS), chất lượng và hiệu quả kinh tế của việc đầu tư phân bón. Xin giới thiệu tóm tắt một số kết quả nghiên cứu về bón phân theo nhu cầu của cây đối với lúa cao sản ngắn ngày ở một số địa phương ĐBSCL như sau: 


Lượng phân cây cần (kg dinh dưỡng/ha) = Khả năng NS gia tăng do dinh dưỡng (kg lúa/ha) / Hiệu quả nông học của dinh dưỡng (kg lúa/kg dinh dưỡng)

I. Nguyên lý: 1. Mỗi giống lúa hay nhóm giống lúa đều có phản ứng khác nhau đối với phân bón, cho nên chúng ta cần xác định nhu cầu phân bón cho từng giống hoặc nhóm giống lúa.

2. Nhu cầu phân bón tương quan rất chặt với 2 yếu tố chính, đó là: khả năng NS gia tăng do bón phân và hiệu quả nông học của phân bón (số kg lúa gia tăng do bón tăng thêm mỗi kg phân nguyên chất) theo công thức tính sau đây:

* Khả năng NS gia tăng là có giới hạn và phụ thuộc vào giống, đất đai, mùa vụ và kỹ thuật canh tác.

* Hiệu quả nông học cũng có giới hạn và phụ thuộc vào lượng phân bón và kỹ thuật canh tác.

Muốn xác định lượng phân cần bón bao nhiêu là hợp lý nhất, chúng ta cần xác định khả năng NS gia tăng tối đa được bao nhiêu theo từng chân đất, mùa vụ và giống cụ thể. Sau đó, xác định mục tiêu phải đạt hiệu quả nông học là bao nhiêu để làm cơ sở tính toán lượng phân cần đầu tư để đạt được năng suất gia tăng cao và lợi nhuận cao nhất.

II. Cách làm: Bước 1: Xác định khả năng NS gia tăng do phân bón Sau khi sạ 6-7 ngày, tiến hành đắp bờ khoanh 3 ô nhỏ trong ruộng, mỗi ô khoảng 20-30m2 (5m x 4-6m), ở đó sẽ bố trí ô số 1 không bón đạm, ô số 2 không bón lân và ô số 3 không bón kali. Còn lại toàn ruộng lúa được bón đầy đủ đạm, lân, kali bằng phân Đầu Trâu chuyên dùng hay phân thông thường khác. Đến khi thu hoạch, gặt riêng từng ô sẽ cho chúng ta biết NS ô không bón đạm, NS ô không bón lân, NS ô không bón kali và NS ruộng lúa bón đầy đủ đạm, lân, kali. Chênh lệch NS giữa ruộng lúa được bón đầy đủ đạm, lân, kali với NS ô bón thiếu đạm là khả năng NS gia tăng do phân đạm, với NS ô bón thiếu lân là khả năng NS gia tăng do phân lân, với NS ô bón thiếu kali là khả năng NS gia tăng do phân kali. Kết quả khảo sát nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL từ năm 2001-2005 tại một số địa phương ĐBSCL ghi nhận được khả năng NS gia tăng theo chân đất và mùa vụ như ở bảng sau.

Bước 2: Xác định hiệu quả nông học hợp lý Kết quả nghiên cứu nhiều năm nay của Viện lúa ĐBSCL cho thấy hiệu quả nông học của các nguyên tố đạm, lân, kali cho lúa cao sản ngắn ngày ở ĐBSCL thể hiện ở bảng sau.

Trong điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi như trong vụ Đông Xuân và lúa được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chúng ta nên chọn hiệu quả nông học cao để tính toán lượng phân cần bón. Nhưng nếu điều kiện khí hậu không thuận lợi như trong vụ Hè Thu, hoặc trong điều kiện chăm sóc không tốt lắm, chúng ta chỉ nên chọn hiệu quả nông học trung bình để tính toán lượng phân cần. Không nên chọn hiệu quả nông học thấp để tính toán lượng phân, vì như vậy lượng phân cần bón tính ra sẽ rất cao và hiệu quả kinh tế đem lại sẽ thấp. Thậm chí đầu tư không có lãi.

Bước 3: Tính toán nhu cầu phân để đầu tưTrên cơ sở xác định được 2 yếu tố cần thiết như ở bước 1 và 2, việc tính toán nhu cầu phân sẽ rất dễ dàng theo công thức tính nêu trên. Kết quả tính toán nhu cầu phân theo mùa vụ và cho từng chân đất ở bảng 3.

Bước 4: Điều tiết lượng phân khi cần thiết Chúng ta có thể điều tiết lượng phân tuỳ theo tình hình thực tế. Ví dụ trong giai đoạn dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá bùng phát, cần giảm lượng đạm khoảng 20-25% và tăng cuờng lân và kali khoảng 25-30%. Chúng ta cũng có thể sử dụng phân bón Đầu Trâu TE-01, TE-02 kết hợp với bảng so màu lá để điều tiết lượng phân sao cho lá lúa luôn luôn giữ được màu sắc trong khoảng khung màu số 3 & 4 là tốt nhất. Qui trình bón phân Đầu Trâu chuyên dùng cho lúa thể hiện ở bảng 4.

III. Ứng dụng thực tiễn: Kết quả ứng dụng cách làm này tại một số địa phương vùng ĐBSCL như tại huyện Châu Phú (AG), huyện Cờ Đỏ (CT) và Gò Công Tây (TG) từ năm 2001-2005 cho kết quả là năng suất tăng 300-500 kg/ha, lượng phân đạm tiết kiệm được khoảng 50-70kg urea/ha và hiệu quả kinh tế cao hơn 1,0-1,5 triệu đồng/ha. Với cách làm này ruộng lúa ít sâu bệnh hơn, tiết kiệm khá nhiều chi phí thuốc BVTV và tạo điều kiện trong sạch hơn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Với cách làm khá đơn giản và nông dân có thể thực hiện rất dễ dàng. Chúng tôi hy vọng nếu được áp dụng rộng rãi kỹ thuật này sẽ cho sản lượng lúa cao hơn, tiết kiệm phân bón và thuốc BVTV nhiều hơn và môi trường trong lành hơn.