00:00 Số lượt truy cập: 2662095

Xóm… lồng đèn 

Được đăng : 03/11/2016
Những mùa Trung Thu gần đây, nắng Sài Gòn không lung linh sắc màu vì vắng bóng những chiếc lồng đèn tre giấy kiếng. Thế nhưng, sâu trong lòng thành phố vẫn có một nơi mà đến mấy đời người dân vẫn “chung thủy” với nghề làm lồng đèn: “Xóm lồng đèn”...


Nghề làm lồng đèn...


Gọi là “xóm” nhưng những nhà làm lồng đèn nằm rải rác từng cụm nhỏ trong nhiều conhẻm ở 2 khu giáo xứ Phú Bình và Tân Phú Hòa (P.Phú Trung – Q.Tân Phú và P.5 - Q.11, TP.HCM). Nơi đây còn có tên là “khu Phú Bình” với nghề làm lồng đèn có nguồn gốc từ người dân nhập cư từ làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Anh Quyền ngày ngày chạy xe ôm, đến độ thu về thì cùng gia đình gồm 3 cặp anh chị em nhà vợ lao vào sản xuất lồng đèn. Mùa thu là mùa kiếm tiền cũng là “mùa sum vầy”, cả nhà quây quần vừa làm vừa kể chuyện tiếu lâm rôm rả. Không khí náo nhiệt khác hẳn ngày thường mỗi người đi làm mỗi nơi. Hai vợ chồng tâm sự: “Có theo nghề mới hiểu được những đêm phải thức trắng để làm lồng đèn cho kịp giao, ngồi lâu tê cứng mình mẩy, bẻ kẽm sưng vù cả tay” .


Ít nhà làm những chiếc lồng đèn đặc sắc vì tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là ngưng trệ việc sản xuất lồng đèn loại thường để bỏ mối. Lồng đèn to nên kẽm dùng làm khung phải to và cứng, đòi hỏi nhiều sức để uốn nắn. Ít người đặt hàng nên lồng đèn không có khuôn khung sẵn mà người thợ phải tự canh bẻ khung rất khó khăn. Ở tiệm lồng đèn Thu Hà (P.Phú Trung, Q.Tân Phú), lồng đèn rồng cao 1,2 – 1,7m có giá đến hơn 1 triệu đồng/cặp vì mỗi chi tiết của “rồng” đều được làm tỉ mỉ. Từng chiếc vảy được sơn kim tuyến óng ánh, mang rồng được trang trí bằng lông thỏ bay phất phơ... Còn lồng đèn nàng tiên cá, tuy khung là tổng thể vòng ngoài nhưng người thợ phải làm khuôn che để phun màu mịn từng chi tiết của cơ thể “nàng tiên” rồi mới vẽ nét thêm lên. Lồng đèn tiên cá không dùng giấy kiếng lợp khung mà dùng giấy can để “da thịt nàng tiên” không trong suốt như giấy kiếng. Làm lồng đèn còn khó ở khung tre: tre non mềm nhưng hay gẫy còn tre già uốn dẻo tốt nhưng thớ tre dễ tưa trông xấu xí.Tre dùng làm lồng đèn phải là loại lồ ô, đốt dài. Chẻ tre cũng phức tạp: tre non chẻ dầy, tre già chẻ mỏng, thanh tre phải đều tăm tắp...


Nhưng nghề đang mai một !


Anh Nguyễn Xuân Lâm ở tiệm Thu Hà kể: “Lúc trước, mỗi mùa lồng đèn, khách muốn vào nhà phải đi khom lưng vì lồng đèn treo đầy trần nhà. Mối quen đến từng nhà, cứ thấy lồng đèn là xách bỏ lên xe, lát mới quay lại ghi hóa đơn.Nhiều khi có khách đặt hàng trước, chủ nhà phải giấu lồng đèn tận trong… mùng mà vẫn bị mối quen vào tận nơi lục ra vì lồng đèn luôn “hút hàng”, mối lái phải giành giật nhau mới đủ bán. Có khi người mua phải ngủ ngay xưởng, chờ lồng đèn vừa làm xong là thu gom ngay…”


Những năm gần đây, tre lại khan hiếm do sức hút của những công ty sản xuất sản phẩm mây tre lá. Năm nay, cách khoảng 1-2 tuần mới có một chuyến chở tre về xóm giá 24 ngàn đồng/cây. Vật giá tăng khiến giá lồng đèn tăng. Cụ thể, lồng đèn loại trung năm nay lên 2 “lai” (1 “lai” = 1 trăm đồng)/chiếc.


Ngoài ra, thị trường lồng đèn giấy kiếng còn chịu sức ép của lồng đèn nhựa Trung Quốc,tuy đắc tiền hơn nhưng bền và không nguy hiểm với trẻ con. Bản thân người bán cũng thích bán lồng đèn nhựa hơn vì năm này bán không hết có thể để dành năm sau bán tiếp, lại dễ dàng vận chuyển. Lồng đèn giấy kiếng dễ phai màu, lại mỏng manh nên lồng đèn dù đã được “đóng bội” (xếp gọn trong bọc to, khoảng 400-500 lồng đèn/bội) kỹ càng nhưng chở đi tỉnh xa vẫn dễ rách. Trong khi đó, lồng đèn ngôi sao từ Bắc chuyển vào và lồng đèn giấy xếp chỉ khi dùng mới mở bung ra cũng rất được ưa chuộng.


Những người ở nhà lồng đèn Thu Hà chua chát: “Năm nay cô còn có chỗ để viết bài chứ năm sau thì chưa chắc ở đây còn làm lồng đèn. Nhiều nhà cũng đã nghỉ không làm lồng đèn nữa vì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, làm lồng đèn chỉ là nghề thời vụ…”