00:00 Số lượt truy cập: 2637626

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần tính bền vững 

Được đăng : 03/11/2016

Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu TCMN tăng khoảng 20%/năm và phấn đấu đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2010. Hàng TCMN và đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, hiện chiếm khoảng 11% lượng nhập khẩu của châu Âu. Tuy nhiên, để đạt tốc độ tăng trưởng đều vào những năm tới, xuất khẩu hàng TCMN đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hai yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững

* Thứ nhất, yếu trong thăm dò, tìm hiểu thông tin thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Vì thế, rất nhiều hàng thủ công Việt Nam không có những công dụng rõ rệt và chưa hướng vào một thị trường cụ thể để chiếm lĩnh nó. Đơn cử với thị trường Nhật Bản. Năm 2002, hàng TCMN Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Nhưng đến nay, sức hấp dẫn đã giảm nhiều do không có sự thay đổi mẫu mã. Với người Nhật, yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi nhanh sao cho phù hợp với các mùa trong năm. Bởi vậy, vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam phải nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu đó.

Với người Mỹ thì thích dùng hàng tốt, thân thiện với môi trường nhưng lại không chấp nhận sự tăng giá. Mặt khác, người Mỹ cũng rất quan tâm tới tính hữu dụng của hàng TCMN.

Đối với các nhà nhập khẩu lớn của EU, yếu tố quan trọng là dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp. Chẳng hạn, họ rất quan tâm đến đơn hàng có được sản xuất đúng thời hạn không, tính linh hoạt, các vấn đề hậu cần cũng như các tiêu chuẩn về môi trường của phía sản xuất. Đáng tiếc là đến nay, các doanh nghiệp trong ngành TCMN vẫn chưa ý thức được hết tiềm năng cũng như tầm quan trọng của các yêu cầu về dịch vụ.

Với thị trường châu Phi và Tây Nam á, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm được những đặc điểm về văn hóa của khu vực này để có thể đáp ứng đúng nhu cầu thị hiếu của thị trường rộng lớn với nhiều nét khác biệt về văn hóa này.

* Thứ hai, nghèo nàn về kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại. Các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nên đầu tư nhiều hơn cho thiết kế kiểu dáng, bởi nếu cứ sao chép, rập khuôn kiểu dáng giữa các doanh nghiệp với nhau, hoặc của Trung Quốc, thì sẽ gặp những vấn đề rắc rối về pháp lý và sở hữu trí tuệ. Còn nếu chỉ làm theo mẫu mã của các nhà nhập khẩu nước ngoài thì ta sẽ bị thụ động, ỷ lại. Điều này chỉ mang lại những giá trị gia tăng nhỏ nhoi cho doanh nghiệp vì thiếu tính chủ động trong huy động các nguồn lực sản xuất.

Hiện nay, khoảng 90% các sản phẩm TCMN xuất khẩu được sản xuất theo mẫu thiết kế của nước ngoài đặt hàng. Điều này sẽ giải quyết tốt đầu ra sản phẩm nhưng về lâu dài sẽ làm "thui chột" các ý tưởng sáng tạo của người nghệ nhân và các thợ nghề, mà hiệu quả thực thu lại thấp. Một sản phẩm có mẫu mã đẹp, kiểu dáng độc đáo có thể đem lại gấp 4 lần giá trị so với mẫu mã thông thường. Hội nhập WTO với sự có mặt của các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, nếu ta cứ đua với họ về vốn và công nghệ thì sẽ nắm chắc phần thua. Và khi đó, cạnh tranh bằng giá rẻ nhờ nguồn nhân công dồi dào cũng không còn hữu hiệu nữa. Đã đến lúc các doanh nghiệp TCMN Việt Nam phải vươn lên khai thác lợi thế cạnh tranh bằng trí tuệ và sức sáng tạo.

Giải pháp cho sự phát triển bền vững

* Khắc phục nhược điểm về thiết kế, cải tạo ra những mẫu mã riêng, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Đây là cách tốt nhất để khẳng định mình và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ. Thực tế cho thấy, nhu cầu thị hiếu về thẩm mỹ của con người luôn biến đổi theo thời gian và theo từng thời điểm cụ thể. Đây là tâm lý tiêu dùng mà các nhà sản xuất đồ TCMN Việt Nam nên nắm được. Một đại diện của IKEA - một tổ chức phân phối hàng TCMN hàng đầu của Thuỵ Điển - nhận xét rằng: những mẫu mã chưa ai làm được, với tính độc đáo chưa từng có đúng là một thứ vũ khí thực sự lợi hại và lâu bền trong việc cạnh tranh các sản phẩm TCMN hiện nay.

* Đưa hồn văn hóa dân tộc Việt Nam vào sản phẩm. Muốn có chỗ đứng lâu bền với thị trường quốc tế, ngoài mặt cạnh tranh về kiểu dáng, mẫu mã thì yếu tố sức nặng văn hóa kết tinh trong sản phẩm, thể hiện tâm tư tình cảm của người lao động và mang những nét độc đáo riêng biệt là đặc biệt quan trọng. Các nhà sản xuất TCMN Việt Nam nên nghiên cứu kỹ vấn đề này khi tung sản phẩm của mình ra thị trường./.