00:00 Số lượt truy cập: 2637808

Xuống giống đồng lọat vụ ĐX 06-07 như thế nào ? 

Được đăng : 03/11/2016
Theo dự báo sẽ có hai lứa rầy di trú xuất hiện vào thời điểm:

* Từ 15/11/2006 đến 20/11/2006, tổng số rầy di trú với mức độ trung bình;


* Đợt hai từ 12/12/2006 đến 20/12/2006 với mật độ rầy cao nhứt.



Bà con cần theo dõi khi thấy rầy vào đèn nhiều là ngâm giống để gieo sạ ngay vì lúc rầy di trú đến ruộng, cây lúa còn nhỏ và nằm trong bùn nên không bị rầy tấn công. Thời điểm gieo sạ thích hợp từ 18/11/2006 đến 25/11/2006 và 18/12/2006 đến 25/12/2006. Công tác này cần phải được làm động bộ trên diện rộng vì đây là cách để giúp nông dân “né họa hưởng phước” trước hiểm họa rầy nâu trong vụ lúa ĐX sắp tới.


Tại buổi gặp gỡ với hơn 80 nông dân Nông trường Cờ Đỏ Tp. Cần Thơ đến tham quan trại giống lúa Định Thành (Công Ty CP.BVTV An Giang). PGS -TS Phạm Văn Kim (Trường ĐHCT) khuyến cáo:


“Bà con nông dân cần nâng cao tính cộng đồng ngồi lại với nhau cùng bàn bạc tiến hành xuống giống đồng loạt, nhận thức cho được tác hại của rầy nâu, bởi lẻ nếu xuống giống lai rai chừng 1/3 diện tích ở khu vực nào đó thì khi rầy xuất hiện sẽ gây hại tập trung trên diện tích đã xuống giống đó. Nên chờ thu hoạch xong, rồi tiến hành xuống giống đồng loạt, giả định có rầy xuất hiện thì chúng sẽ phân tán với mật độ rất thấp. Khi rầy phân tán, chúng sẽ có mật số thấp và tỉ lệ lúa nhiễm bệnh cũng thấp, khi ấy chúng ta dễ dàng kiểm soát và có thể nhổ bỏ cây lúa bị bệnh. Các cây lúa không bị nhiễm sẽ có khả năng đẻ nhánh bù đấp vào khoảng trống bị mất, năng suất vẫn ổn định”.


Một trong những công việc cần chuẩn bị ngay từ đầu vụ là giáo dục nâng cao tính cộng đồng, cụ thể như:


* việc bố trí một cách tốt nhất lịch thời vụ ở địa phương đến khuyến cáo giống lúa chống chịu và dùng giống xác nhận theo chủ trương 1 phải – 5 giảm:


1.Phải sử dụng giống xác nhận;


2.Giảm giống,


3.Giảm thuốc BVTV,


4.Giảm phân bón,


5.Giảm nước,


6.Giảm thất thóat sau thu họach.


* Áp dụng triệt để chương trình 3 giảm – 3 tăng trên diện rộng,


* Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng ….

Đó chính là những công việc mà trên thực tế đã được nhiều địa phương ứng dụng rất thành công.


Bài thực hành IPM về bảo tồn thiên địch được khuyến cáo thường xuyên được xem là một giải pháp cân bằng sinh thái khi nông dân sản xuất ở trình độ ngày càng cao:


* Duy trì và bảo vệ các sinh vật có ích như:


1.Ếch nhái,


2.Các nhóm nhện,


3.Nhóm bọ rùa,


4.Nhóm bọ xít,


5.Nhóm o­ng,


6.Nhóm nấm ký sinh v.v…


bằng cách không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế thuốc trừ sâu khi trên ruộng xuất hiện nhiều thiên địch.


* Khi thật sự cần thiết mới phun thuốc ưu tiên là những loại thuốc ít ảnh hưởng đến thiên địch. Actara 25 WG là loại thuốc được ngành bảo vệ thực vật khuyến cáo sử dụng vì đạt được mục tiêu đó. Actara 25 WG diệt tốt rầy trưởng thành, đồng thời với đặc tính tiếp xúc Actara 25 WG diệt rầy ấu trùng triệt để sau 4-8 giờ phun mà không ảnh hưởng đến thiên địch.


Ông Lê Phước Đề, một nông dân có nhiều ứng dụng kỹ thuật thành công ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú – An Giang khẳng định:


“Cách chủ động nhất là nghe đài dự báo, theo dõi các chương trình Khuyến nông, chương trình Nông dân cần biết rồi kết hợp với thực tế để áp dụng có hiệu quả. Biện pháp thăm đồng thường xuyên rất hay trong tình hình dịch rầy nâu, nhưng phải lội ruộng, vạch gốc lúa theo hai đường chéo góc của để đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh chứ không thể thăm đồng “đi vòng vòng bờ đê “. Bài học thăm đồng thường xuyên trong vụ hè thu 2006 cho thấy trên những ruộng lúa xuống giống trong điều kiện đất làm sơ sài, còn nhiều gốc rạ chưa được vùi vào đất là điều kiện cho rầy trú ngụ, khi vô nước bón phân đợt đầu thì xuất hiện “rầy rộ“ như từ trên trời bay xuống. Thiếu cây lúa, rầy tập trung núp dưới gốc rạ, khi gặp nước rầy di chuyển lên gốc lúa tấn công cây lúa còn non ở giai đoạn 7-10 NSS. Đến giai đoạn 20-30 NSS thì triệu chứng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện và gây hại nghiêm trọng.”


Cùng ở ấp Vĩnh Hưng anh Trần Đức Hiền cũng cho biết:


“Làm ruộng phải có những kiến thức nông nghiệp để phòng trị kịp thời các đối tượng dịch hại trên đồng, nhưng phải hiểu khoa học kỹ thuật để tính toán hiệu quả khi đầu tư, bảo vệ cây lúa bằng các biện pháp tổng hợp trên thửa ruộng của mình”.


Ở vụ đông xuân này, cách xuống giống đồng loạt khi đã thu hoạch dứt điểm lúa vụ 3 là cách làm hữu hiệu để giảm bớt mức độ nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá . Vì lợi ích của chính mình và lợi ích của cộng đồng, mỗi nông dân cần được hiểu và ứng dụng tốt biện pháp này. Hỗ trợ nhau trong sản xuất bằng biện pháp cụ thể là việc cần làm và cần làm ngay để tạo nên sức mạnh của nền nông nghiệp bền vững, đó là đủ số lượng, chất lượng cao, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, tồn tại và phát triển.