00:00 Số lượt truy cập: 2638319

Yên Bái: Lợn hơi rớt giá: “Trăm dâu đổ đầu… nhà nông” 

Được đăng : 03/11/2016
Gần một tháng nay, giá lợn hơi giảm mạnh từ 26.000 đồng/kg xuống 20.000 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm từ 10 - 15% đang khiến nhiều hộ nông dân lao đao. Bên cạnh nỗi lo chống hạn cho vụ lúa chiêm xuân, người nông dân đang phải gồng mình gánh nỗi lo giá lợn hơi rớt giá.

Bà Lê Thị Ca (thôn 3, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) đang đứng ngồi không yên vì đàn lợn hơn 10 con trong chuồng, con nào con nấy cũng đều từ 90 kg -100 kg mà không có người mua. Bà ngao ngán nói: “Gia đình tôi thường chỉ nuôi lợn tới 70 kg là xuất chuồng rồi nuôi kế lứa khác. Nhưng lứa này, đã gần một tạ cả rồi mà vẫn không biết bán cho ai.

Nhiều thương lái chỉ tới xem nhưng không trả giá. Nuôi một con lợn đạt đến khoảng một tạ thì chi phí hết khoảng 2,5 triệu đồng. Với giá lợn hơi hiện nay là 20.000 đồng/kg thì mỗi con lợn gia đình tôi lỗ 400 - 500.000 đồng. Biết là thua lỗ nhưng tôi vẫn muốn bán bởi càng nuôi thì càng lỗ nặng vì có nuôi lợn cũng không lớn thêm được là bao”.

Gia đình ông Trần Văn Nghĩa ở thôn 5 cùng xã, cũng là một trong những hộ chăn nuôi nhiều, trong chuồng thường xuyên có 30 - 40 con. Hơn chục con lợn trên một tạ, nằm ngổn ngang làm gia chủ không khỏi lo lắng: “Năm ngoái, lợn hơi được giá, chăn nuôi cũng phấn khởi. Có những thời điểm, chúng tôi không có lợn để bán ra thị truờng, thương lái tới tận nhà đặt mua. Nhưng chỉ cách đây chừng một tháng thôi, giá lợn hơi bắt đầu xuống, muốn bán cũng chẳng được vì người mua dửng dưng. Mặc dù vậy, khi giá lợn bắt đầu có dấu hiệu giảm cũng là lúc giá thức ăn chăn nuôi tăng lên từ 270.000 đồng 1 bao cám viên tổng hợp loại 25 kg lên 310.000 đồng. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 60 - 70% giá thành sản phẩm nên thời gian gần đây gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng”.

Đó chỉ là hai trong số hơn 30 hộ đang lâm vào tình trạng lao đao, nuôi lợn cầm chừng của xã Đào Thịnh.

Ông Trần Quang Đại - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có trên 60 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10 - 50 con. Trong xã có khoảng 1.600 con lợn, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 60 - 70 tấn lợn hơi. Nuôi lợn đã mang lại một nguồn thu không nhỏ cho nhiều gia đình. Vào thời điểm lợn được giá, nhiều hộ thoát được nghèo, mua đuợc xe, làm được nhà, nhưng hiện nay nhiều hộ đang lao đao vì giá lợn hơi xuống thấp. Có những hộ nuôi lợn đến trên một tạ mà vẫn chưa bán được”.

Nhiều chủ hộ chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi xuống thấp là do nguồn cung vượt cầu. Đồng thời, sau tết Nguyên đán, lượng thịt tiêu thụ trên thị trường giảm hơn so với thời điểm trước tết nên tư thương càng được dịp ép giá. Tuy giá lợn hơi đang giảm mạnh nhưng giá thịt tại các chợ chỉ giảm đôi chút và người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận.

Từ 1/1/2010, giá nhập khẩu ngô nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ tăng từ 0% lên 5% và ngô nhập khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại đội lên từ 10 - 15 % làm người chăn nuôi phần thêm điêu đứng. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, chỉ có những người chăn nuôi, đồng thời cũng là người tiêu dùng đang chịu thiệt đơn thiệt kép trong cái sự tăng giảm bất hợp lý này.

Câu chuyện về giá lợn hơi giảm mạnh, sản phẩm chăn nuôi không có đầu ra hay thức ăn tăng giá không còn là vấn đề mới, nhưng sau mỗi lần như thế mới thấy người nông dân hiện nay đang phải tự bươn chải, mò mẫm trong cơ chế thị trường. Chủ động về giống và nguồn thức ăn tại chỗ, đồng thời phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là những việc nên làm để nông dân bớt đi nỗi lo mang tên “rớt giá”.