00:00 Số lượt truy cập: 2627044

Bệnh do ký sinh trùng ở cá Chiên 

Được đăng : 22/05/2018
Cá Chiên là đối tượng dễ bị stress trong quá trình nuôi, mẫn cảm với bệnh, đặc biệt nuôi thương phẩm với mật độ cao. Việc quản lý đàn cá, phòng trị bệnh chung cho cá phải được thực hiện nghiêm túc hạn chế dịch bệnh đối với đàn cá nuôi. Trong quá trình nuôi, có hiện tượng cá chết rải rác giai đoạn mới thả giống và thời điểm chuyển giao thời tiết. Nghiên cứu bệnh ký sinh trùng thường hay xuất hiện ở cá nước ngọt giai đoạn cá hương, cá giống. Giai đoạn này định kỳ thu mẫu 1 lần/tuần, 10 - 15 mẫu/lần để xác định tác nhân và thời điểm xuất bệnh, để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

1. Thích bào tử trùng

Tác nhân gây bệnh: Myxobolus, Thelohanellus, Henneguya

Dấu hiệu bệnh lý

Cá bơi lội không bình thường, biểu hiện khó chịu, dị hình cong đuôi, cá kém ăn.

Đối với cá Chiên bệnh này cũng được gọi là bệnh xoay tớt (Whirling disease) .

Nếu bị bệnh nặng: trên da, mang cá có nhiều bào nang to bằng hạt tấm, màu trắng đục. Nắp mang bị kênh, ảnh hưởng đến hô hấp, dẫn đến cá chết.

Đối tượng , mùa vụ nhiễm bệnh

-       Chép, trôi, mè, bống tượng, tra, hồi...., đặc biệt là cá chép.

-       Bệnh thường gây tác hại lớn ở cá hương và cá giống.

-       Mùa xuân và đầu hè

Phòng bệnh

Áp dụng biện pháp phòng bệnh bệnh tổng hợp như: tẩy vôi và phơi đáy từ  5- 7 ngày.

Kiểm dịch con giống, nếu phát hiện bệnh trùng thích bào tử, phải loại bỏ ngay.

Dịch bệnh: diệt toàn bộ cá, khử trùng nước, dụng cụ đánh bắt, rắc vôi &phơi đáy ao từ 1-2 tháng.

Trị bệnh: Trùng có vỏ dày, rất khó tiêu diệt.

Hiện nay chưa có thuốc phòng, trị bệnh hữu hiệu.

2. Trùng bánh xe

Tác nhân gây bệnh: Trichodina sp, Trichodinella sp, Tripartiella sp

-       Sinh sản: vô tính phân chia đơn giản, sinh sản quanh năm.  Sống tự do trong nước (1-1,5 ngày).

Ký sinh chủ yếu ở da, vây, mang, khoang mũi cá.

Dấu hiệu bệnh lý

-       Cá bơi lội không định hướng, nổi từng đàn lên mặt nước, da màu xám.

-       Đàn cá bị bệnh nhẹ thì gầy yếu, nếu không xử lý kịp thời cá sẽ chết.

-       Bệnh nặng, thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng, sau đó chết.

Mùa vụ và đối tượng bị nhiễm bệnh

-       Mùa xuân và mùa thu

-       Tất cả các loài cá nuôi, gây tác hại lớn ở giai đoạn cá hương và cá giống.

Phòng bệnh: áp dụng pp phòng bệnh tổng hợp.

Trị bệnh

-       Tắm nước muối 2-3% trong 5-15 phút

-       Formalin tắm 200-250 ml/m3 trong 30-60 phút; phun xuống ao 20-25 ml/m3.

-       Kết quả xử lý trùng bánh xe sử dụng CuSO4 với nồng độ 0,1 ppm, thời gian xử lý thuốc khoảng 10 -12 giờ trùng ngừng hoạt động, đối với nồng độ 0,05 ppm có thể chưa đủ mạnh để tác động lên trùng bánh xe nên hầu như không có tác dụng  và khi sử dụng với nồng độ 0,15 ppm ngâm cho cá trong thời gian ngắn thì trùng bánh xe cũng mất tác dụng nhưng cũng gây sốc với cá. Sau khi xử lý xong tiến hành thay nước để loại bỏ trùng bánh xe ra khỏi môi trường ương.

3. Trùng quả dưa (bệnh đốm trắng trên cá)

Tác nhân gây bệnh: Ichthyophthirius multifiliis

- Giống quả dưa, đường kính 0,5-1 mm, có một hạch lớn hình móng ngựa và một hạch nhỏ.

-  Nhiệt độ thích hợp cho trùng phát triển là 18- 260C.

Dấu hiệu bệnh lý

-       Cá nổi đầu, bơi lờ đờ, quẫy mạnh. Hiện tượng treo râu ở cá giống

-       Da, mang, vây của cá bị nhiễm bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường.

-       Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.

Mùa vụ và đối tượng bị nhiễm bệnh

-       Mùa xuân, mùa thu

-       Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt và biển.

Phòng bệnh:   áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Trị bệnh : Formalin 200-250 ml/m3 tắm trong 30-60, phút; phun  20-25 ml/m3, mỗi tuần 2 lần.   

4. Sán Lá đơn chủ

Tác nhân gây bệnh: Dactylogyrus sp, Gyrodactylus sp

- Cơ thể nhỏ, dài, lúc còn nhỏ có màu trắng nhạt và vận động rất hoạt bát. Vận đông trườn như sâu

- Trùng dùng móc của đĩa bám sau bám vào tổ chức tuyến đầu tiết ra men hialuronidaza phá hoại tế bào tổ chức mang và da cá  làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá.

Dấu hiệu bệnh lý

-       Cá bơi lội chậm chạp, gầy

-       Tổ chức da và mang bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.

Mùa vụ và đối tượng bị nhiễm bệnh

-       Mùa xuân, mùa thu

-       Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt

Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Trị bệnh

-       KMnO4 20 gam/m3 tắm trong thời gian 15 -30 phút

-       Dùng muối tắm 2-3 % trong 5 phút

-       Formalin:200-250 ml/m3 tắm trong 30-60 phút hoặc 20-25 ml/m3 phun xuống ao.

5. Sán lá song chủ (sán mắt)

Tác nhân gây bệnh: Diplostomum spathaceum

Triệu chứng:Mắt bị mờ và mất chức năng nhìn

Phòng trị: Chưa có biện pháp trị. Nguồn nước cấp không chứa các vật chủ trung gian là ốc.

6. Bệnh trùng mỏ neo

Tác nhân gây bệnh:Lernaea

-       Cơ thể gồm 3 phần: đầu, ngực, bụng.

Phần đầu kéo dài thành sừng giống mỏ neo đâm thủng bám chắc vào tổ chức ký chủ nên còn có tên là trùng mỏ neo.

Dấu hiệu bệnh lý

-       Cá bơi lội không bình thường, chậm chạp, khả năng bắt mồi giảm dần, gầy yếu, dị hình uốn cong.

-       Cá bố mẹ bị cảm nhiễm Lernaea số lượng nhiều, tuyến sinh dục không phát triển được.

-       Khi ký sinh phần đầu của mỏ neo  cắm sâu vào trong tổ chức ký chủ, phần sau lơ lửng trong nước. Cá có các vết đỏ nhỏ trên cơ thể.

Mùa vụ và đối tượng bị nhiễm bệnh

-       Mùa xuân, thu, đông

-       Các loài cá nuôi nước ngọt đặc biệt là giai đoạn cá giống và cá nuôi lồng bè.

Phòng bệnh

-       Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

-       Dùng lá xoan bón lót xuống ao trước khi thả cá với số lượng 0,2-0,3 kg/m3 nước để diệt ấu trùng của trùng mỏ neo.

Trị bệnh

-       Thay nước mới kết hợp với bón nước vôi bột hoà tan, liều lượng 2 kg/100m2.

-       Dùng lá xoan 0,4-0,5 kg/m3 nước bón vào ao  nuôi cá bị bệnh.

-       Dùng  thuốc tím KMnO4 nồng độ 10-12  Gam/m3 tắm từ 1-2 giờ./.

Phạm Thị Loan