Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
Được đăng : 13-12-2016 16:26:20
Hiện nay, nông dân nuôi tôm bằng nhiều hình thức như: quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh... Mỗi hình thức nuôi đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chính vì vậy, để tìm ra một hình thức nuôi với chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao là vô cùng cần thiết. Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến năng suất cao đang được khuyến khích phát triển tại tỉnh Cà Mau. Mô hình tôm nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống đã qua cho năng suất không cao (khoảng từ 200 – 300kg/ha/năm). Từ khi bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao (QCCTNSC) đến nay, vuông nuôi của bà con nông dân đạt được kết quả rất khả quan.Hình thức nuôi tôm QCCTNSC chi phí vừa phải, gần gũi với người dân, kỹ thuật không đòi hỏi cao như nuôi tôm công..
Hiện nay, nông dân nuôi tôm bằng nhiều hình thức như: quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh... Mỗi hình thức nuôi đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chính vì vậy, để tìm ra một hình thức nuôi với chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao là vô cùng cần thiết. Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến năng suất cao đang được khuyến khích phát triển tại tỉnh Cà Mau. Mô hình tôm nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống đã qua cho năng suất không cao (khoảng từ 200 – 300kg/ha/năm). Từ khi bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao (QCCTNSC) đến nay, vuông nuôi của bà con nông dân đạt được kết quả rất khả quan.
Hình thức nuôi tôm QCCTNSC chi phí vừa phải, gần gũi với người dân, kỹ thuật không đòi hỏi cao như nuôi tôm công nghiệp mà hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ gia đình. Trước mắt, bà con nông dân cần cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật. Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau khuyến cáo bà con tát cạn ao đầm, bón vôi CaCO3, phơi khô đáy ao nứt chân chim; sau đó lấy nước vào ao nuôi đạt 1,2m, sau 3 ngày diệt cá tạp và diệt khuẩn. Ương tôm giống trước khi thả nuôi, mật độ thả nuôi 6 con/m2. Trong thời gian ương, cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp, liều lượng 1kg/ngày và tăng 10% những lần cho ăn tiếp theo. Hàng ngày, bà con nông dân cần kiểm tra và xử lý các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, màu nước, độ trong…
Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau cho biết, tính đến thời điểm này, mô hình nuôi tôm QCCTNSC thí điểm tại huyện U Minh cơ bản đã thực hiện thành công. Tôm đã được 4 tháng tuổi, sản lượng ước đạt từ 800 – 900kg/ha (kích cỡ 35 – 40 con/kg), tỉ lệ sống khoảng 60%. Tiếp tục nuôi thêm 01 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 1 tấn/ha, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 70 – 88 triệu đồng/ha.
Theo anh Đỗ Minh Chong, ngụ tại khóm 2, thị trấn U Minh, tháng đầu, tôm sẽ tìm thức ăn tự nhiên; qua tháng thứ hai, tiến hành cho tôm ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp; thường xuyên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Đặc biệt, cần dựa vào tình hình môi trường, thời tiết và sức khoẻ tôm để điều chỉnh thức ăn cho thích hợp, kiểm tra trạng thái bơi lội, gan tụy, phụ bộ… của tôm để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Ngoài ra, trong thời gian cho tôm ăn bổ sung thêm thức ăn công nghiệp, anh còn sử dụng tỏi, cây chó đẻ, chuối chín, mật ong… để trộn vào thức ăn nhằm giúp cho tôm tiêu hóa tốt. Sau hơn 4 tháng nuôi, tôm của anh Chong đạt trọng lượng khoảng 40con/kg, năng suất ước đạt 1,2 tấn/ha, trừ chi phí thì hộ gia đình anh thu lãi trên 70 triệu đồng.
Thành công từ mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến này cho thấy, khi người nông dân biết ứng dụng kỹ thuật vào vuông nuôi sẽ giảm được rất nhiều rủi ro, cũng như bảo vệ tốt môi trường và tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Thành công của mô hình trên sẽ là tiền đề để nhân rộng cho những hộ nông dân nuôi tôm sú tại tỉnh Cà Mau.