Mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây chè 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:20
Chè là loại cây công nghiệp lâu năm, có tác dụng thiết thực trong phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống rửa trôi, xói mòn ở những vùng đất dốc. Hiện nay cây chè không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo đối với đồng bào trung du, miền núi mà thực sự đã giúp nhiều gia đình khá giả, các sản phẩm chè đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Phát triển sản xuất cây chè giúp cho xã hội giải quyết được công ăn việc làm cho nông dân, đặc biệt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh. Theo tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong nhiều năm gần đây, chè Việt Nam đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu; được xuất sang 107 thị trường các châu lục, trong đó có 18 thị trường truyền thống, 68 thị trường là thành viên WTO.Tuy nhiên, tình hình canh tác chè của đồng bào các tỉnh trung du miền núi đang gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, khả năng canh tác còn manh mún, trình độ thâm canh còn lạc hậu, điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa..

Chè là loại cây công nghiệp lâu năm, có tác dụng thiết thực trong phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống rửa trôi, xói mòn ở những vùng đất dốc. Hiện nay cây chè không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo đối với đồng bào trung du, miền núi mà thực sự đã giúp nhiều gia đình khá giả, các sản phẩm chè đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Phát triển sản xuất cây chè giúp cho xã hội giải quyết được công ăn việc làm cho nông dân, đặc biệt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh. Theo tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong nhiều năm gần đây, chè Việt Nam đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu; được xuất sang 107 thị trường các châu lục, trong đó có 18 thị trường truyền thống, 68 thị trường là thành viên WTO.
Tuy nhiên, tình hình canh tác chè của đồng bào các tỉnh trung du miền núi đang gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, khả năng canh tác còn manh mún, trình độ thâm canh còn lạc hậu, điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng xuất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm chè hiện nay, thu nhập của đại bộ phận người trồng chè còn thấp.
Thực hiện chỉ thị số 09/2007/CT-BNN ngày 29/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường áp dụng các biện pháp, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, …
Theo đánh giá của bà con, việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây chè đã mang lại nhiều lợi ích:
1. Chủ động được nước tưới theo đúng thời vụ và yêu cầu của cây chè, tiết kiệm nước.
2. Khắc phục được khó khăn kỹ thuật tưới nước cho vùng đồi, khan hiếm nước, không áp dụng được các biện pháp tưới thông thường bằng kênh dẫn.
3. Có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới như: phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vận chuyển và tưới phân vi sinh dạng lỏng. Chủ động và nâng cao hiệu quả bón phân, phân bón được hoà tan, ngấm ngay xuống đất, làm giảm khả năng thăng hoa của phân đạm, tăng khả năng hấp thụ của cho cây trồng.
4. Tiết kiệm chi phí nhân công trong gánh nước phun thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển phân vi sinh dạng lỏng, …
5. Tăng số lứa hái, tăng số lượng và chất lượng chè trong mỗi đợt hái khoảng 30%-50%. Thêm chè vụ đông, giá bán chè thường cao hơn vào dịp tết, vì vậy sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế.
Vốn đầu tư hệ thống tưới cho 1 ha chè khoảng 30-50 triệu đồng, với năng suất chè từ 10-12 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 2.500 đồng/kg, phần giá trị tăng thêm cũng đạt 9-15 triệu đồng/ha/năm (chưa kể tiết kiệm chi phí nhân công từ 3-5 triệu đồng/năm). Trong khi đó chi phí tiền điện không đáng kể, với mỗi ha chè cần tưới từ 15-20 lần/năm, mỗi lần 4-8 giờ, chi phí hết khoảng 3-4 nghìn đồng. Như vậy, chỉ sau từ 2-3 năm, có thể thu hồi vốn đầu tư.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới đối với bà con trồng chè là cao, ngoài ra giá chè thường xuyên bấp bênh, lên xuống thất thường đã làm cho việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.
Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ tập trung xây dựng các hệ thống thuỷ lợi tưới nước cho cây lúa. Hầu hết diện tích trồng chè đều trông chờ nước trời. Hiệu quả đối với tưới chè là rất rõ, để giúp bà con nông dân trồng chè có điều kiện nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ cây chè, Nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật phát triển xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây chè.