Một cách giải quyết về sâu rầy hại lúa của nông dân 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:20
Trong lúc bà con nông dân tỉnh An Giang nói chung và huyện An Phú nói riêng, ăn Tết không ngon vì dịch rầy nâu bộc phát vào những ngày Tết Nguyên đán. Nông dân phải ra sức chống rầy ngay từ ngày mùng hai Tết, nhưng lại có một người không hề lo lắng và cũng chẳng tốn tiền mua thuốc và công phun xịt, mặc dù anh canh tác tới 5,4 ha lúa trong vụ Đông Xuân này (ở huyện An Phú diện tích canh tác trên mỗi hộ chỉ vài ha). Đó là anh Nguyễn Văn Gấu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú.Chúng tôi cùng anh đi thăm đồng, ruộng của anh không nằm tập trung một chỗ mà rải rác xen với những ruộng khác, chỗ thì năm ba công, chỗ thì một hai chục công, tất cả các thửa ruộng đều trong giai đoạn trỗ chín và đều sạch gốc, mật độ rầy không đáng kể.Anh Gấu kể: Trước năm 1997, tôi còn phun xịt nhưng kể từ..

Trong lúc bà con nông dân tỉnh An Giang nói chung và huyện An Phú nói riêng, ăn Tết không ngon vì dịch rầy nâu bộc phát vào những ngày Tết Nguyên đán. Nông dân phải ra sức chống rầy ngay từ ngày mùng hai Tết, nhưng lại có một người không hề lo lắng và cũng chẳng tốn tiền mua thuốc và công phun xịt, mặc dù anh canh tác tới 5,4 ha lúa trong vụ Đông Xuân này (ở huyện An Phú diện tích canh tác trên mỗi hộ chỉ vài ha). Đó là anh Nguyễn Văn Gấu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú.
Chúng tôi cùng anh đi thăm đồng, ruộng của anh không nằm tập trung một chỗ mà rải rác xen với những ruộng khác, chỗ thì năm ba công, chỗ thì một hai chục công, tất cả các thửa ruộng đều trong giai đoạn trỗ chín và đều sạch gốc, mật độ rầy không đáng kể.
Anh Gấu kể: Trước năm 1997, tôi còn phun xịt nhưng kể từ khi học qua lớp quản lý dịch hại IPM và các khóa huấn luyện kỹ năng chọn tạo giống cũng như chịu khó đi tham quan nhiều nơi, nắm vững được vòng đời của các loại sâu hại và các loại thiên địch, kết hợp với việc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tôi không hề phun xịt trên ruộng bất cứ loại thuốc sâu rầy nào.
Trong vụ Đông Xuân 2007-2008, anh sử dụng biện pháp kéo hàng và cấy 100% diện tích. Anh nói: "Ngoại trừ diện tích cấy một tép để làm giống thì mật độ sạ trung bình của tôi chỉ 6,2 kg/1000 m2".
Khi mời chúng tôi dùng cơm trưa, anh mới tâm sự: Đây là gạo sạch do tự gia đình làm, nhiều năm nay chỉ một mình tôi là lao động chính trong nhà, mình làm như vậy vừa tiết kiệm tiền cho 3 đứa con ăn học và nuôi cha già đã hơn 90 tuổi, vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình. Khi có người em kêu cho gạo Basmati về ăn, tôi bảo nếu cho thì cho một ít giống về tự tay làm mới bảo đảm không có thuốc sâu. Thú thật với mấy anh, trong vụ Đông Xuân này, tôi phải sử dụng thuốc rầy cho 02 công đất nằm xa mà xung quanh bà con phun xịt quá nhiều nên rầy tập trung vô ruộng tôi khoảng hai ba chục ngàn con/m2 nên mới phải can thiệp để bảo vệ năng suất.
Anh nhẩm tính với chúng tôi: Trong một vụ, bà con nông dân phun xịt trung bình từ 4 – 6 lần vừa thuốc sâu vừa thuốc rầy, mỗi công 2 bình, vị chi tiền thuốc và tiền công phun xịt khoảng từ 26.000đ/một lần phun, vậy cả vụ hết từ 104.000 - 156.000đ/1000m2. Riêng tiền thuốc sâu, rầy tôi tiết kiệm mỗi vụ từ 5.616.000 - 8.424.000 đ (trên 54 công ruộng).
Chúng tôi được Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, ngoài việc làm tốt cương vị Chi hội trưởng và áp dụng triệt để IPM trên ruộng của mình, anh Gấu còn rất say mê ngành cơ khí, tìm tòi nghiên cứu khoa học phục vụ trong sản xuất giúp đỡ bà con nông dân cùng giảm bớt cực nhọc trong lao động, anh đã chế ra máy tách nhân đậu phộng ....
Trên đường về chúng tôi thấy lòng thật vui, vì mọi nỗ lực của ngành nông nghiệp đã chuyển giao những tiến bộ khoa học mới cho người dân thì đã có những người thật sự tin tưởng và làm theo, thiết nghĩ nếu như có nhiều người như anh Gấu thì vấn đề sâu rầy hại lúa không còn là mối quan ngại cho bà con nông dân nữa. Sau khi nghe báo cáo về anh, phó Chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp đã phải thốt lên: "Hãy khen thưởng cho những ông nông dân đó và phải làm sao nhân rộng những gương điển hình như vậy ra toàn huyện".