00:00 Số lượt truy cập: 2668668

ĐB sông Hồng: Số hộ tham gia cánh đồng lớn nhiều nhất cả nước 

Được đăng : 22/06/2018
Qua một số năm thực hiện “Cánh đồng lớn”, các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai, quy mô hình thức áp dụng để đem lại hiệu quả cao nhất.

Đến nay hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến hàng trăm ha, với nhiều cây trồng khác nhau như lúa, ngô, rau đậu các loại. Đến giữa năm 2016, có 264,331 hộ của các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Hồng tham gia các cánh đồng lớn. Tổng số có 705 cánh đồng lớn với tổng diện tích gieo trồng trong năm 2016 là 67,6 nghìn ha. Đây là vùng có số hộ tham gia cánh đồng lớn nhiều nhất cả nước, tổng diện tích các cánh đồng lớn đứng thứ 2 cả nước sau Đồng bằng sông Cửu Long.

Sở dĩ tổng diện tích cánh dồng lớn cũng như quy mô diện tích bình quân của một cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Hồng nhỏ hơn Đồng bằng sông Cửu Long là do đặc điểm quy hoạch thủy lợi nội đồng của vùng. Việc dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng lớn phải dựa trên cơ sở hệ thống kênh mương đã có, vì thế phần thửa ruộng có chiều rộng 20 – 40 m và chiều dài 50 – 100m (là chiều dài thửa ruộng cũ), chiều dài lô ruộng mới là khoảng cách hai kênh cấp trên, dài trung bình 300- 600m. Như vậy "cánh đòng lớn" thực tế chỉ có thể có diện tích từ 3 đến 6 ha.

Tại các xã đều thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, với thành phần cán bộ nông nghiệp xã, các trưởng thôn. Ban chỉ đạo sản xuất tham mưu giúp UBND xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Ngoài ra, hầu hết tại các xã đều có hợp tác xã nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản của các hộ thành viên trong công tác sản xuất nông nghiệp, 100% số hợp tác xã thực hiện dịch vụ tưới tiêu, 30% tổ chức dịch vụ làm đất, 35% thực hiện dịch vụ nước sạch.

Hiện nay trên địa bàn các tỉnh, hình thức liên kết trong sản xuất là chính, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Liên kết trong cánh đồng lớn sản xuất lúa chưa phát triển, các doanh nghiệp và người nông dân chưa liên kết với nhau để tạo ra mô hình sản xuất lớn, liên kết ở đây chủ yếu là doanh nghiệp (Công ty giống) cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho người nông dân và thu mua lúa giống còn về tiêu thụ sản phẩm hầu như chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm./.

Hương Chu