00:00 Số lượt truy cập: 2637554

Hướng dẫn Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây lùng 

Được đăng : 14/02/2019
Lùng (mạy quăn, dùng), là cây thuộc bộ tre trúc, mọc tự nhiên nhiều tại các huyện phía tây các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La; là một trong các lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất, được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, làm giấy, chân hương, tăm, đũa, phên cót, mành... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngày nay, lùng còn được trồng bảo tồn và phát triển, phục vụ mục tiêu khai thác sử dụng lâu dài.



I. Kỹ thuật trồng lùng

1.                    Thời vụ trồng

Trồng lùng trong thời gian mùa mưa, trồng từ tháng 5-6 đến tháng 9 hàng năm.

2.                    Phát dọn thực bì

-    Xử lý thực bì: trước khi trồng 1-2 tháng, xử lý theo rạch hoặc theo đám, dọn sạch cỏ dại và các cây không cần thiết.

-    Mật độ: cây cách cây 4m, hàng cách hàng 6m (tương đương 400-500 cây/ha).

3.                    Đào hố và bón lót

-    Đào hố: Trước khi trồng 1 tháng, đào hố vuông, dài 40cm, rộng 40cm, sâu 40cm. Khi đào cần để phần đất mặt và đất phía dưới hố ra riêng biệt.

-    Bón lót: Trước khi trồng 15-20 ngày, đối với mỗi hố dùng 5-10kg phân chuồng và 100-200g phân NPK trộn với lớp đất mặt đưa lên khi đào hố rồi lấp vào hố.

4.                    Chuẩn bị giống

-    Chọn những cây bánh tẻ trong các vườn lùng sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không có hiện tượng bị khụy.

-    Tách gốc 1 cụm gồm 2-3 cây (1 cây 1 tuổi, một cây 2 tuổi, có thể đánh cả cây 3 tuổi), thường là những cây của mùa măng năm trước, chưa ra măng.

-    Chặt bỏ đoạn thân trên, chỉ để lại đoạn hom dài 1,2-1,5m.

-    Giâm ở vườn ươm và chăm sóc đến khi cây ra măng tỏa lá là có thể đem trồng.

-    Nếu không giâm trong vườn ươm, sau khi tách khỏi gốc cây mẹ, phải đem trồng ngay, trước khi trồng nên cắt bỏ rễ dài, hồ rễ còn lại bằng hỗn hợp bùn ao và tro bếp.

Chú ý: Không lấy các cụm mọc nổi trên mặt đất, không làm dập, xước thân ngầm và thân hom. Thời điểm tách tốt nhất là từ ngày 1-15 tháng 5 hàng năm.

5.                    Kỹ thuật trồng

-    Trồng khi thời tiết mát mẻ

-    Dùng cuốc moi đất giữa hố lên để tạo hốc đặt hom giống vào

-    Lấp hố:

+ Lấp đất vừa kín gốc hom, dùng chân lèn xung quanh gốc thật chặt

+ Lấp tiếp một lớp đất dày khoảng 15-20cm, không cần lèn chặt, để đất tơi xốp và hơi lõm lòng chảo nhằm để giữ nước mưa. Có thể phủ thêm một lớp rác hoặc lá cây để giữ ẩm.

-    Trồng dặm:

+ Sau khi trồng 20-30 ngày, nếu nhiều cây chết phải trồng dặm

+ Trong 3 năm sau trồng, tiếp tục trồng dặm vào những chỗ cây chết nhiều.

II.     Kỹ thuật chăm sóc lùng

1.                    Chăm sóc trong 3 năm đầu sau trồng

-    Kịp thời phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại và các cây mọc hoang khác

-    Mỗi năm vun, xới 2 lần: lần 1 vào đầu mùa mưa, lần 2 vào cuối mùa mưa. Kết hợp bón phân nếu cấu

Năm thứ nhất

-    Lần 1: xới sâu 10-15cm, vun xung quanh gốc với đường kính rộng 1m

-    Lần 2: xới sâu 10-15cm. Bón thêm phân nếu thấy cây đói dinh dưỡng. Lượng phân bón cho 1 cụm khoảng 200-500g NPK. Bón cách gốc 15-20cm, theo rạch hình bán nguyệt phía trên dốc của gốc.

Năm thứ hai

-    Lần 1: Phát dọn xới đất xung quanh hố với đường kính rộng 1m, sâu 4-5 cm, vun gốc kết hợp bón thúc 1kg phân NPK cho 1 cụm

-    Lần 2: Vun, xới như lần 1, nhưng không bón phân, phát bỏ cành, nhánh xấu.

Năm thứ ba

-    Lần 1: Xới đất sâu 10-15cm, vun gốc xunh quanh với đường kính rộng 1m, bón phân nếu cần

-    Lần 2: Tương tự như lần 1.

2.                   Chăm sóc từ sau năm thứ 3

-    Chặt loại bỏ cây già, xấu, cây bị sâu bệnh. Cuốc xung quanh búi theo hình vành khuyên đường kính 1m, sâu 20-25cm, tủ rác vào gốc giữ ẩm. Mục đích của việc cuốc xunh quanh búi là để cắt đứt bớt lượng rễ già, làm đất tơi xốp và giữ ẩm.

III.Kỹ thuật khai thác lùng

Các điều kiện cần chú ý khi khac thác lùng

+ Khai thác từng cây: Chỉ khai thác trắng khi rừng lùng cần sử dụng vào mục đích khác đã được duyệt trong phương án điều chế rừng, hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc khi rừng lùng có hiện tượng khụy

+ Chỉ khac thác những cây từ 3 năm tuổi trở lên

+ Chỉ khac thác khi rừng lùng đã được ít nhất 5 năm tuổi (đối với lùng trồng)

+ Luân kỳ khac thác: 1 năm đối với cường độ chặt nhẹ (30-35%), 2 năm đối với cường độ chặt vừa (35-40%), trữ lượng rừng tính theo số cây trên 1 ha.

+ Khai thác vào mùa khô, bắt đầu sau khi số măng đã định hình và kết thúc trước vụ sinh măng từ 1-2 tháng vào năm sau.

Kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản

+ Chặt cách đất thấp hơn 20cm

+ Bó thành vác để vận chuyển

+ Dùng cưa hoặc dao sắc cắt thành từng lóng riêng rẽ, bỏ đầu mặt giữa 2 lóng, sau đó dùng dao chẻ thanh theo yêu cầu của khách hàng, bó lại thành từng bó để vận chuyển.

+ Cạo tinh, lột ruột sau đó phơi sương, phơi nắng cho khô

+ Bảo quản trong nhà, bán sản phẩm vào thời điểm phù hợp.

Chăm sóc sau khai thác: thu dọn cành nhánh xếp thành đống. Cuốc lật đất theo hình vành khuyên quanh gốc, đường kính 1m, sâu 20-25cm. Bón phân nếu cần thiết./.

Đ.T