00:00 Số lượt truy cập: 2626879

Khởi Khe giàu lên từ cây quế 

Được đăng : 03/07/2018
Xóm nhỏ Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) mướt một mầu xanh của cây quế với hương thơm ngào ngạt và những căn biệt thự tiền tỷ. Ít ai ngờ, Khởi Khe từng là thôn nghèo ở mảnh đất Phong Hải, đồng bào Dao ở đây phải vật lộn với lúa, ngô nhưng cũng chỉ đủ ăn. Ngày nay, người dân đã no đủ, giàu có nhờ trồng quế.

 


Những biệt thự kiên cố của đồng bào Dao ở thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) được xây dựng nhờ nguồn thu từ cây quế.

Từ cây quế giống…

Từ trung tâm thị trấn Nông trường Phong Hải, qua con đường độc đạo, ngoằn ngoèo chừng 5 km thì tới thôn Khởi Khe. Cả đoạn đường, chúng tôi đi chầm chậm, vừa để trò chuyện, vừa ngắm những đồi quế xanh ngắt, vút cao. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lê Xuân Cương kể, Khởi Khe từ một thôn nghèo, nay trở thành “bản biệt thự”, ai có dịp ghé qua đều thán phục. Tất cả đều nhờ vào việc trồng rừng, mà cụ thể là cây quế, được đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao Lào Cai coi là “vua” các loại cây lâm nghiệp trồng trên đất đồi dốc, khô hạn.

Chúng tôi đến nhà ông Đặng Văn Giai, người có công đưa giống cây quế thơm về “đứng chân, cắm rễ” trên vùng đất Khởi Khe. Đã ngoài 70 tuổi, lại vừa qua cơn bạo bệnh, nhưng khi nghe hỏi chuyện về cây quế, ánh mắt ông sáng lên, giọng nói đầy phấn khởi. Năm 1986, gia đình ông Giai có người họ hàng lập nghiệp ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Một lần, người thân bên đó sang nhà chơi, thấy gia cảnh bần hàn, liền mách ông trồng cây quế để bớt nghèo. Thời đó, cây quế giống quý và hiếm, cho nên được người họ hàng ưu ái cho bảy cây. “Tôi ôm khư khư bảy cây quế giống, vội vàng chạy bộ ra Bảo Nhai, rồi buộc cẩn thận lên xe, mải miết đạp về. Đến nhà, dựng tạm xe trong sân, tôi gọi con trai cầm cuốc lên nương sắn, đào hố trồng ngay. Để chắc ăn, tôi lấy gang tay đo chiều sâu, bề rộng của hố theo đúng hướng dẫn của người họ hàng. Vậy là cây quế “cắm rễ, vươn cành” ở đất Khởi Khe từ đó”, ông Đặng Văn Giai nhớ lại.

Thấy cây quế phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, trong một lần đi họp, ông đề nghị UBND huyện Bảo Thắng hỗ trợ quế giống để bà con người Dao ở Khởi Khe vừa trồng rừng phủ xanh đất trống, vừa có sản phẩm để tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống. Thấy người dân quyết tâm trồng quế để xóa nghèo, huyện Bảo Thắng quyết định hỗ trợ mười nghìn cây quế giống, chia đều cho các hộ để trồng. Đến nay, Khởi Khe đã có hơn 500 ha quế và trở thành “thủ phủ quế” của huyện Bảo Thắng.

50 biệt thự dưới rừng quế xanh

Ngồi uống nước với chúng tôi trong căn nhà khang trang, bà Bàn Thị Lê, dân tộc Dao, thôn Khởi Khe vui mừng kể, mọi thứ trong nhà đều nhờ cây quế. Gia đình bà Lê đang trồng 7 ha quế, lan sang cả một số thôn lân cận. “Vụ quế năm ngoái, gia đình tôi thu được gần 700 triệu đồng. Thế là gom góp xây dựng căn nhà hết hơn một tỷ đồng, chưa kể tiền sắm nội thất. Hồi mới về Khởi Khe làm dâu, hai vợ chồng tôi chở nhau bằng chiếc xe đạp cũ, ước ao dựng được ngôi nhà ngói để ở, rồi có chiếc xe máy để đi...”, bà Lê chia sẻ. Kế sinh nhai khi đó chỉ quanh quẩn mấy bì ngô, dăm bịch thóc giống. Bà Lê nhớ mãi kỷ niệm, một vụ gieo hết ba tạ thóc giống, cuối vụ bòn nhặt sạch sẽ được hơn một tấn lúa. Số thóc đó, xay xát ra, độn kèm với sắn mới đủ nuôi cả nhà, nghĩ lại mà cơ cực.

Tới năm 1994, gia đình bà Lê mạnh dạn bỏ lúa, chuyển sang trồng cây quế. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của những hộ đi trước, nương lúa năm nào dần phủ xanh một mầu quế. “Trồng quế không vất vả nếu biết cách. Trong ba năm đầu thì dọn dẹp, làm cỏ mất công một chút. Sau ba năm, riêng công đi chặt tỉa, bán cành, lá quế mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng. Còn bán cả cây thì phải hơn mười năm, quế mới đạt tiêu chuẩn chất lượng”, bà Lê tâm sự. Ông Bàn Văn Tiến, cùng thôn Khởi Khe cho biết, năm 1995 tôi cũng đánh liều bỏ lúa trồng quế. Đến nay, tổng diện tích quế của gia đình lên tới hơn 10 ha. Trong đó, đã thu hoạch được gần 4 ha. Điển hình như năm 2015, tiền bán quế được 700 triệu đồng, ông Tiến dùng toàn bộ để xây nhà. Diện tích còn lại, giờ đây mỗi ngày ông lên đồi, phát tỉa qua lại cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Giá cành, lá quế tươi được thương lái thu mua với giá 2.400 đồng/kg.

Theo Trưởng thôn Khởi Khe Bàn Trọng Nghĩa, cả thôn có 124 hộ dân tộc Dao, phần lớn đều trồng quế, hộ trồng nhiều hơn 10 ha, hộ trung bình từ 5 đến 7 ha, hộ ít cũng có 0,5 ha. Nguồn thu từ bán quế đã giúp người dân xóa nghèo hiệu quả và làm giàu bền vững. Cả thôn có hơn 50 biệt thự được xây kiên cố và đẹp mắt, nhiều gia đình mua sắm được những vật dụng, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, cuộc sống không kém gì nơi thị trấn, thành phố. Khoảng 5 năm trở lại đây, quế được giá, lại đúng thời kỳ nhiều diện tích trồng hơn 10 năm cho khai thác, cho nên các gia đình thu được một khoản tiền không nhỏ. Nhẩm tính, với một chu kỳ thu hoạch, 1 ha quế mang lại lợi nhuận trung bình 600 triệu đồng.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng Đỗ Hồng Quân cho biết, đến nay, toàn huyện có 4.950 ha quế (tính cả diện tích đã khai thác). Đến năm 2020, huyện sẽ có thêm 500 ha quế được trồng mới. Như vậy, gần như toàn bộ diện tích rừng sản xuất tập trung cũng như phân tán ở Bảo Thắng đều phủ xanh bởi cây quế. Về đầu ra, trên địa bàn hiện có ba nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất hơn 18 nghìn tấn nguyên liệu/năm gồm: Công ty TNHH tinh dầu quế Việt Nam, Công ty TECHVINA và Công ty TNHH An Nghiệp. Tuy nhiên, ba nhà máy này chưa hoạt động hết công suất do không đủ nguyên liệu đầu vào. Tại các xã cũng có ba cơ sở và hơn mười hộ thu mua vỏ quế, chưng cất tinh dầu quế quy mô hộ gia đình, do vậy “đầu ra” của cây quế rất thuận lợi.

 

 

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG