00:00 Số lượt truy cập: 2662968

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm kinh doanh cây mì giống 

Được đăng : 17/12/2017
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tây Ninh vừa phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện Tân Châu tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh giống mì, phát hiện triệu chứng khảm lá xuất hiện ngay trên các bó cây mì giống...

 

Năm 2017, nhiều diện tích mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị nhiễm bệnh khảm lá.

Vụ Hè thu năm 2017, do diện tích cây khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị nhiễm bệnh khảm lá khá lớn nên nhiều vùng mì giống bị ảnh hưởng, có nguy cơ dẫn đến thiếu giống mì cho vụ Đông Xuân 2017-2018.

Theo Sở NN&PTNT, nhu cầu lượng giống cho kế hoạch vụ Đông Xuân 2017-2018 trồng khoảng 31.000 ha. Hiện nay, các thương lái đã thu gom cây mì từ các vùng có dịch, bao gồm cả diện tích mì bị bệnh khảm lá để cung cấp ra thị trường; nhiều hộ dân tận dụng cây mì sẵn có của gia đình hoặc mua lại từ thương lái để trồng.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tây Ninh đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện Tân Châu tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh giống mì, phát hiện triệu chứng khảm lá xuất hiện ngay trên các bó cây bán làm giống và đề nghị UBND huyện xử lý tiêu huỷ số mì giống nhiễm bệnh.

Để hạn chế, ngăn chặn bệnh khảm lá mì tiếp tục phát sinh, lây lan gây thiệt hại cho vụ Đông Xuân 2017-2018 và các vụ tiếp theo, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã/thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm kinh doanh giống cây mì trên địa bàn nhằm đảm bảo người dân không sử dụng cây mì từ các vùng có dịch để buôn bán.

Nông dân phun thuốc diệt bọ phấn trắng gây bệnh khảm lá mì.

Sở NN&PTNT cho biết, phía Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cũng đã liên hệ với cơ sở khoai mì giống có chất lượng để có nguồn giống kháng bệnh cung cấp đầy đủ cho nông dân. Do đó, UBND các xã/thị trấn có thể đăng ký với Trung tâm khuyến nông qua Trạm khuyến nông các huyện, thành phố nhu cầu về giống cây mì cho người dân.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu, đối với diện tích cây mì xuống giống mới vụ Đông Xuân 2017-2018, nếu phát hiện mì bị nhiễm bệnh khảm lá, cần tiến hành tiêu huỷ cây giống theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá cây khoai mì; phối hợp với cơ quan truyền thông tăng thời lượng và tần suất phát thanh để thông tin, hướng dẫn nông dân không sử dụng giống mì lấy từ ruộng bị bệnh, từ vùng dịch, giống không có nguồn gốc rõ ràng và giống HL-S11 để trồng trên diện tích chưa nhiễm bệnh khảm lá trong năm 2017.

Đình Vũ