00:00 Số lượt truy cập: 2668710

KINH NGHIỆM THÂM CANH TỎI TÂY VỤ SỚM 

Được đăng : 18/03/2019
Cây tỏi tây đã được nhiều ở miền bắc hiệu quả kinh tế rất cao nếu trồng được trong vụ sớm. Tỏi tây phát triển thích hợp ở nhiệt độ từ 20- 25oC; hạt tỏi tây nảy mầm cần nhiệt độ thấp (15-17oC). Nếu gặp nhiệt độ cao hạt không nảy mầm, bị thối hạt, gây khó khăn cho cây giống. Để giải quyết 2 vấn đề trên kinh nghiệm của nhà vườn ở Hải Dương đã đúc kết qua nhiều năm trồng tỏi tây như sau.

 

1.     Xây dựng vườn ươm. 

Vườn ươm cây giống có mái che bằng nilon để tránh mưa to, kết hợp che bớt ánh nắng bằng lưới đen, thiết kế phun sương để giảm độ nóng, vườn ươm phải làm cao 5,5m trở lên.

Xử lý hạt giống trước khi gieo.

Tỏi tây được gieo trồng bằng hạt, lượng giống cho 1 sào Bắc Bộ cần 100-120g.

Ngâm hạt giống trong nước sạch từ 3- 4h sau đó vớt ra để ráo, bọc vào miếng vải ẩm để trong tủ bảo quản, điều chỉnh nhiệt độ từ 15 – 170c. Hàng ngày đem hạt ra nhúng vào nước  lạnh ở nhiệt độ 17oc, sau đó tiếp tục đưa vào tủ để xử lý tiếp. Thời gian xử lý từ 4- 5 ngày. Khi hạt nứt nanh đem gieo).

Đất vườn ươm cần được bổ sung thêm trấu mục, phân chuồng hoai để tăng độ dinh dưỡng và làm tơi xốp. Lượng hạt giống gieo 2 g/m2. Gieo xong phủ một lớp trấu để che phủ kín hạt và thường xuyên tưới ẩm, phun sương.  Khi cây mọc, bổ sung các chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng cần thiết cho cây. Cây giống trong vườn ươm từ 25- 30 ngày, cây có 3 - 4 lá nhổ đem ra ruộng trồng. Nếu có điều kiện đầu tư cao nên làm nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới phun sương.

 Trong vườn ươm nên nhổ cỏ dại bằng tay, không dùng thuốc trừ cỏ để tránh làm cho cây con bị ảnh hưởng.

-Trước khi nhổ cây giống từ vườn ươm ra trồng 1 tuần cần hạn chế tưới nước, phun phân bón qua lá siêu kali + vi lượng giúp cây cứng cáp.

 Trước khi trồng cần cắt 1 phần lá và rễ cây con, nhúng rễ cây con vào dung dịch nấm Trichodecma đã pha để hạn chế bệnh hại và kích thích bộ rễ phát triển. 

2.     Làm đất, trồng cây

Đất trồng tỏi được cày bừa kĩ, nhặt sạch cỏ dại xử lý nấm bệnh bằng vôi tả, thuốc gốc đồng, nấm đối kháng Trichodecma. Lên luống rộng khoảng 1,2m, cao 30cm, rãnh rộng 30cm.

Lượng phân bón cho 360m2: 5 tạ phân chuồng đã ủ hoại mục; 8kg ure +  20kg supe lân + 8 kg kaliclorua

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 2kg u rê, 2kg kali. Đảo trộn đều phân vào đất để rễ cây tránh tiếp xúc vào phân khi mới trồng sẽ bị chết.

Trồng cây vào buổi chiều mát và trồng theo khoảng cách (10 cm x 10cm/cây).

Sau khi trồng cần phủ trấu hoặc rơm chặt ngắn để hạn chế cỏ dại và chống nóng, thường xuyên tưới ẩm cho cây nhanh hồi phục.

Lượng phân còn lại chia làm 3 lần bón vào các thời kì 15, 30, 45 ngày sau trồng. Nếu cây thiếu dinh dưỡng, phát triển chậm cần bón phân bổ sung NPK: 10 – 10 – 10; phun phân bón qua lá loại siêu kali, siêu lân, để cây phát triển tốt.

3.Chăm sóc

 Thường xuyên tưới cho đất ẩm 80%. Khi mới trồng dùng bình ô doa tưới đều cả luống hoặc tưới phun bằng máy. Khi cây phát triển cứng cáp áp dụng tưới theo rãnh luống. Sau khi tưới hoặc sau mưa phải tháo cạn khô rãnh luống; cần chú ý làm cỏ, xới phá váng kết hợp với bón thúc cho tỏi.

4.Phòng trừ sâu bệnh

 Tỏi hay bị bệnh sương mai, cháy đầu lá vì vậy, sử dụng thuốc như Zineb 80WP, Boocdo 1% và thuốc trị như Rovral 50WP, Aliette 80WP, Nativo 750WG,... phun phòng. Những ngày có sương muối, cần bảo vệ tỏi bằng cách tưới nước rửa sương kết hợp phun thuốc phòng bệnh cho cây.

5. Thu hoạch.

Tỏi sau trồng 70 ngày có thể thu hoạch. Thu hoạch lần lượt nhổ đến đâu sạch đến đó, tiến hành sơ chế, rửa sạch, đóng gói bảo quản trong kho lạnh để tiêu thụ.

T.khuyên