00:00 Số lượt truy cập: 2637656

Làm giàu từ chế biến nông sản 

Được đăng : 16/03/2019

 

Với mục đích tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập, ông Lê Thanh Hà ở thôn Phận, xã Yên Bằng (Ý Yên), Nam Định đã đầu tư dây chuyền chế biến tương ớt, các sản phẩm từ ớt bảo đảm an toàn thực phẩm. Sản phẩm tương ớt và các sản phẩm từ ớt mang thương hiệu Quang Minh của gia đình ông Hà đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

nga-nd-163 

Dây chuyền chế biến tương ớt của gia đình ông Lê Thanh Hà,

thôn Phận, xã Yên Bằng (Ý Yên)

 

Để sản phẩm tương ớt bảo đảm chất lượng, ông đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất, tổ chức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, áp dụng quy phạm sản xuất tốt (GMP) và quy phạm vệ sinh chuẩn (SOP). Theo đó, sau khi ớt được thu mua về, ông tổ chức phân loại, làm sạch tạp chất và bắt đầu đưa vào lò nghiền nguyên liệu. Quá trình chế biến được sử dụng công nghệ nấu chín và bổ sung các chất phụ gia theo tiêu chuẩn cho phép như: tỏi, muối, đường, gia vị… Sau khi hoàn thiện, tương ớt được làm lạnh và đưa vào quy trình đóng chai, bảo quản sản phẩm rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông tiêu thụ 0,5 tấn ớt nguyên liệu và đưa ra thị trường 15-20 nghìn sản phẩm/tháng gồm tương ớt, sa tế mang thương hiệu Quang Minh. Theo ước tính sơ bộ, doanh thu năm 2018 của cơ sở đạt trên 800 triệu đồng. Nói chuyện với chúng tôi, ông Hà chia sẻ, quá trình đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến tương ớt gian nan, vất vả nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Sau khi nghiên cứu, xác định địa phương chưa có công nghệ chế biến nông sản, sản phẩm cho bà con nên sản phẩm sản xuất ra chủ yếu ở dạng thô, giá trị kinh tế chưa cao và luôn bị tư thương ép giá. Trong một lần đi tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền Trung, ông có dịp tiếp cận với quy trình sản xuất tương ớt và các sản phẩm từ ớt. Qua tìm hiểu và trao đổi, học tập kinh nghiệm, ông bàn với gia đình và quyết định đầu tư dây chuyền chế biến tương ớt và các sản phẩm từ ớt. So với sản xuất truyền thống, sản xuất trên dây chuyền máy móc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đầu năm 2018 đến nay, vợ chồng ông Hà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến tương ớt, sa tế với công suất lúc thấp nhất đạt 500 lít/ngày. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, ngoài thu mua ớt cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Ý Yên và một số vùng lân cận, nguồn nguyên liệu thu mua ớt của cơ sở của ông Hà chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận, Phú Thọ… bởi ớt ở vùng này có đủ độ cay, quả to vừa đủ, bảo đảm chất lượng. Để cung ứng đủ lượng ớt, tỏi… đáp ứng nhu cầu sản xuất, vợ chồng ông Hà phải thuê 5-6 người để thu mua đủ số lượng ớt, chế biến thành phẩm xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết.

Sản phẩm tương ớt Quang Minh ra đời giữa lúc trên thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh mặt hàng này đang tranh giành thị phần quyết liệt, nhưng ông Hà vẫn hết sức tự tin. Sau gần một năm có mặt trên thị trường, Tương ớt Quang Minh đã dần chinh phục khách hàng. Ông Hà cho biết thêm, để bảo đảm sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh trên thị trường thì buộc phải đầu tư dây chuyền hiện đại. Đưa chúng tôi xem một mẫu sản phẩm mới nhất ông Hà khoe: “Các anh để ý xem tương ớt không chỉ giữ được hương vị cổ truyền mà màu tươi đỏ của quả ớt cũng được giữ nguyên trên sản phẩm. Công nghệ hiện đại này cũng giúp khắc phục một số hạn chế của sản phẩm tương ớt do không bị váng mốc khi để lâu hoặc có ga trong quá trình bảo quản”. Theo ông Hà, để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở chế biến tương ớt, sa tế, ông Hà cần nguồn vốn lưu động khá lớn, bởi giá thu mua ớt bình quân hiện nay khá cao, đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 11 nghìn đồng/kg. Do đó, ngoài nguồn vốn tự có, ông Hà rất mong có thêm nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với hướng đi đúng, hiệu quả của cơ sở sản xuất “Tương ớt Quang Minh” vừa góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 30-50 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng./.

 

 

Bài và ảnh:Thu Nga - Hoàng Tuấn