00:00 Số lượt truy cập: 2662509

MÔ HÌNH NUÔI LƯƠNG TRÊN CẠN ĐẠT HIỆU QUẢ CAO Ở BẠC LIÊU 

Được đăng : 19/01/2019



Sau khi áp dụng một số mô hình sản xuất không đem lại hiệu quả kinh tế cao và thiếu bền vững, ông Lê Văn Hột, ngụ tại ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nuôi lươn theo hình thức công nghiệp. Sau hơn 6 tháng thả nuôi, cho thấy bước đầu mang lại hiệu quả, hiện tại trọng lượng mỗi con lươn đạt khoảng 150 gam. Các bồn lươn của ông Hột đang phát triển tốt, hứa hẹn đạt năng suất và lợi nhuận khá cao. Trước hiệu quả bước đầu của mô hình, mới đây, Hội Nông dân huyện Hòa Bình phối hợp với Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho hơn 20 cán bộ, hội viên nông dân của huyện đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi lươn của ông Hột, nhằm khuyến khích nông dân trong huyện nhân rộng trong thời gian tới để phát triển kinh tế gia đình.

Hiện tại, trại lươn của ông Hột có khoảng 140 ngàn con ở các lứa  từ hơn 2 tuần tuổi đến hơn 6 tháng tuổi. Lứa lươn đầu hơn 6 tháng tuổi của ông đạt trọng lượng khoảng 150 gam mỗi con. Ông Hột chia sẻ, qua 7 tháng áp dụng mô hình cho thấy nuôi lươn khá dễ nuôi do kỹ thuật chăm sóc đơn giản và vật nuôi này ít bị bệnh. Không chỉ vậy, lươn ăn rất ít thức ăn và đầu ra cho lươn thương phẩm đã có thương lái đặt hàng nên ông cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên, cái khó đối với việc đầu tư thả nuôi của ông hiện nay đó là nguồn lươn giống hơi khan hiếm nên chưa đủ để nuôi số lượng như mong muốn. Hiện tại, với 1 bồn lươn có 2 ngàn con lươn trọng lượng khoảng 150 gam mỗi con, mỗi ngày chúng ăn khoảng 300 gam thức ăn. Giá thức ăn mỗi ký 23.000 đồng. Để nuôi lươn đạt hiệu quả, trong 1 tháng đầu thả nuôi, ông Hột cho lươn ăn trùn quế và ra tháng mới cho ăn thức ăn. Lươn nuôi từ 9 đến 10 tháng mới thu hoạch. Giá lươn thịt từ 200 đến 230.000 đồng mỗi ký. Nhờ có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc kỹ nên các bồn lươn của ông đạt tỷ lệ đầu con gần 100%.

Ông Hột là nông dân thứ 2 áp dụng mô hình nuôi lươn theo hình thức cho ăn thức ăn công nghiệp có quy mô lớn ở huyện Hòa Bình. Khoảng 3 năm trước đây, ông Phan Văn Có, ở xã Minh Diệu cũng đã áp dụng mô hình này và 3 năm liền đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Người nuôi có thể thu lời gấp 3 đến 4 lần so với chi phí đầu tư ban đầu như: con giống, thức ăn, đầu tư chuồng trại. Theo chia sẻ của những hộ nuôi lươn, so với một số mô hình chăn nuôi khác như gà, vịt, heo, tôm, cá kèo thì con lươn dễ nuôi và ít xảy ra dịch bệnh, trong khi lươn ăn rất ít thức ăn nên người nuôi dễ áp dụng và lợi nhuận cũng cao hơn.

 

Toàn huyện Hòa Bình hiện nay có khoảng chục hộ thực hiện thành công mô hình nuôi lươn cho ăn thức ăn công nghiệp với quy mô vừa và lớn và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tùy quy mô nuôi. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hòa Bình sẽ tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và kết hợp với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Quốc Thống – Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Bình, cho biết: Mô hình nuôi lươn này sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do mô hình còn khá mới mẽ với nhiều nông dân nên ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu để việc nhân rộng phát triển mô hình đạt hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững hơn. Trong đó, vấn đề tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn, chất lượng con giống “đầu vào”, vốn đầu tư ban đầu cũng như bài toán về thị trường “đầu ra” cho con lươn phải được ổn định, từ đó mới giúp cho nông dân an tâm sản xuất./.

Toàn cảnh trang trại của ông Lê Văn Hột tại ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A




Hồng Đào – Ngô Minh