00:00 Số lượt truy cập: 2668890

Mô hình tổ chức quản lý chất thải rắn nông thôn ở xã Đoàn Xá 

Được đăng : 06/04/2018
Mô hình tổ chức quản lý trong xử lý chất thải rắn nông thôn được thực hiện ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ở mô hình này, các xã không chỉ chịu trách nhiệm thu gom, mà còn phải chịu trách nhiệm vận chuyển và vận hành khu xử lý rác thải. Xây dựng mô hình thí điểm không chỉ giải quyết công tác vận hành lò đốt của xã Đoàn Xá, mà còn là mô hình mẫu, làm cơ sở đề xuất cơ chế quản lý vận hành 8 lò đốt mà Hải Phòng đã đầu tư cho các địa phương nhưng chưa vận hành.

Các hoạt động để xây dựng mô hình là hỗ trợ nâng cao năng lượng của tổ  chức dịch vụ môi trường, huy động sự nghiệp đóng góp của cộng đồng thông qua nâng cao mức thu phí, tập huấn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ chế quản lý khu xử lý rác thải sinh hoạt xã, hỗ trợ kỹ thuật để xử lý rác thải.

Một số biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu qủa hoạt động của tổ chức dịch vụ thu gom chất thải rắn xã Đoàn Xá gồm:

+ Hỗ trợ xây dựng cơ chế quản lý khu xử lý rác thải sinh hoạt. Năm 2013, thành phố Hải Phòng đã đầu tư cho xã Đoàn Xá lò đốt BD - An pha công suất 500kg/giờ, nhằm mục đích xử lý rác thải cho 4 cụm xã: Đoàn Xá, Đại Hợp, Đại Hà và thị trấn Tân Trào. Tuy nhiên, sau hai năm đầu tư, đến cuối năm 2015, lò đốt mới bắt đầu vận hành để xử lý rác thải cho xã Đoàn Xá và Đại Hợp. Công tác vận hành kém hiệu qủa, rác thải ùn đọng, trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân phản ứng.

Mô hình tổ chức thu gom, xử lý rác thải ở xã Đoàn Xá được triển khai cho cụm xã. Ban đầu UBND huyện Kiến Thụy giao cho Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Đoàn Xá quản lý toàn bộ lò đốt, khu xử lý chất thải rắn, ký hợp đồng xử lý chất thải sinh hoạt cho xã Đại Hợp và Đại Hà. Tuy nhiên đến tháng 3 năm 2017, nhận thấy hợp tác xã không đủ năng lực vận hành lò đốt và khu xử lý rác thải, UBND huyện Kiến Thụy giao khu xử lý rác thải cho doanh nghiệp tư nhân là Hợp tác xã Môi trường Thành Vinh quản lý vận hành.

+ Hỗ trợ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các xã trong việc tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Về thời gian tập kết rác tại khu xử lý, xã Đại Hợp tập kết rác hàng ngày, xã Đoàn Xá và Đại Hà, mỗi xã tập kết hai lần trong một tuần, được bố trí lệch ngày để đảm bảo ngày nào cũng có rác thải cung cấp cho lò đốt, không tồn lưu rác thài lâu ngày trong khu xử lý tập trung. Với cách phân bổ như trên, khối lượng rác tập trung nhiều nhất vào các ngày thứ 2 và thứ 6 (27m3/ngày),  các ngày thứ 4 và chủ nhật là 22,5 m3/ngày. Các ngày còn lại là 4,5m3/ngày. Như vậy chỉ cần có phương án tập kết rác và xử lý mùi hôi đốt với rác thải chưa kịp xử lý trong ngày.

Về kinh phí xử lý chất thải rắn, xã Đại Hợp và Đại Hà sẽ thanh toán khoản kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt tương đương với 1.500 đ/người/tháng theo hợp đồng xử lý chất thải với Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Đoàn Xá.

Hiệu quả mô hình

Với mô hình nói trên, khối lượng chất thải được xử lý tăng 147%, từ 1.675 tấn/năm lên 2.463 tấn/năm (thêm khối lượng CTR của xã Đại Hà). Công suất lò đốt được phát huy từ 115kg/h lên 253 kh/h, tăng 220%. Mức phát huy công suất thực tế so với thiết kế tăng 23 % lên 51 %. Khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng lò đốt tăng từ 45% lên 60% phải chôn lấp giảm từ 40% xuống  còn 20%, từ 755,5 tấn/năm xuống còn 492,7 tấn/năm./.

Hương Chu