00:00 Số lượt truy cập: 2666648

Ninh Bình thúc đẩy nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa 

Được đăng : 03/07/2018
Tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt hơn 2% giai đoạn 2016 - 2020; giá trị canh tác đến năm 2020 đạt 130 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2025 là 150 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 35 triệu đồng/người/năm và 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Cùng với đó, đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt hơn 95%, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội còn dưới 12%, phấn đấu có 105 trong số 119 xã và ba huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, tỉnh tập trung vào các giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai Nghị quyết của T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi việc thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" tập trung tuyên truyền để thống nhất, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững...

Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NÐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ theo hướng giảm thủ tục hành chính đối với việc thanh quyết toán các khoản hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn nông thôn tiếp cận các nguồn vốn; tiếp tục quan tâm, tăng nguồn kinh phí và hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới.

* Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 32 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số với gần 150 nghìn người, chiếm khoảng 10% số dân toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu ở sáu huyện miền núi vùng cao gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Ðông Giang và Phước Sơn.

Với việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhóm giải pháp và triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong năm 2017 đạt khoảng 7,1%, cao hơn mức tăng bình quân chung của tỉnh là 5,55%. Ngày càng nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập hơn 200 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở chín huyện miền núi, nhất là sáu huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, bình quân giảm 5%/năm. Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn ở vùng sâu, vùng xa đạt hơn 37%, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện quốc gia tăng nhanh. Hiện nay, tỷ lệ hộ đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng điện đạt gần 92%, hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 81%, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học đạt gần 97%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt gần 98%.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, cho nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn phát triển chậm. Ðể đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực, tỉnh Quảng Nam triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Ðầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng đối tượng được sử dụng vốn vay ưu đãi, hỗ trợ sinh kế gắn với vận động đồng bào vươn lên thoát nghèo...

PV và TTXVN