00:00 Số lượt truy cập: 2626922

Nông dân không có lỗi trong việc phá vỡ chuỗi liên kết cá tra ở An Giang 

Được đăng : 03/07/2018
Đó là khẳng định của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân và Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang tại buổi đối thoại ba bên giữa Ngân hàng NN-PTNT An Giang, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An và nông dân trong vụ chuỗi liên kết Tafishco bị phá vỡ vì lãnh đạo Công ty ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài.

 


Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra Tafishco lao đao vì gánh nợ khi chuỗi bị phá vỡ.

Sáng 26-6, tại Sở Công thương tỉnh An Giang diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra (gọi tắt là Tổ xử lý 441) với đại diện ba bên là Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang, đại diện Công ty Thuận An và các hộ nông dân tham gia trong chuỗi liên kết.

Chuỗi liên kết Tafishco được kỳ vọng là bước đột phá trong ngành nuôi và chế biến cá tra ở An Giang, bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2014. Trong đó, Công ty Thuận An là doanh nghiệp được chọn, cùng 12 hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi cá tra thương phẩm ở An Giang.

Theo quy định tại hợp đồng nguyên tắc ba bên, người nuôi được vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay… Cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Chuỗi liên kết này hoạt động ổn định và hiệu quả được khoảng hai năm thì ngày 17-11-2016, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh đi “công tác ra nước ngoài” và không hẹn ngày trở lại; đồng thời mang theo số tiền bán cá của các hộ dân hơn 80 tỷ đồng.

Theo báo cáo, hiện dư nợ của Công ty Thuận An tại Ngân hàng NN-PTNT An Giang còn hơn 449 tỷ đồng. Vụ việc kéo dài suốt hai năm qua đã đẩy nhiều hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết vào cảnh lao đao, khi vừa bị Công ty Thuận An chiếm mất tiền bán cá tra, lại vừa bị Ngân hàng NN-PTNT An Giang gán số nợ lên đến khoảng 80 tỷ đồng trên.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Danh Cởn, ngụ huyện Thoại Sơn, một trong chín hộ dân tham gia chuỗi liên kết dọc Tafishco đặt câu hỏi là, một chuỗi liên kết tốt, đúng định hướng đã hoạt động ổn định hai năm rồi thì tại sao lại đổ vỡ? Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ này?

“Theo đánh giá của chúng tôi là do việc chọn nhầm doanh nghiệp đầu mối. Trước khi chúng tôi tham gia vào chuỗi liên kết, có nhiều cán bộ của tỉnh cũng nuôi cá tra, cũng được mời vào chuỗi này nhưng họ không vào. Bởi vì họ biết Công ty Thuận An có vấn đề!”, ông Cởn nói; đồng thời, đề nghị các cơ quan ban ngành xem xét thấu tình đạt lý sự việc: “Chúng tôi luôn mong muốn được tôn trọng sự thật. Ai làm sai thì xử người đó. Nông dân chúng tôi không nhận đồng tiền nào của ngân hàng thì tại sao bắt chúng tôi gánh nợ. Trách nhiệm đòi nợ là của ngân hàng với Công ty Thuận An. Khi vụ việc xảy ra, ngân hàng đã mời nông dân tới kêu chúng tôi phải nhận, nếu không sẽ đưa nông dân vào nợ xấu là hết làm ăn. Chúng tôi không có nợ, nên không thể là nợ xấu, đừng dọa chúng tôi”.

Một thành viên tham gia chuỗi liên kết nữa là ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ huyện Châu Phú cho rằng, ông rất bất bình vì đã gửi đơn cầu cứu lần thứ chín rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

“Nông dân tham gia một chủ trương đúng đắn, theo quy trình và phương án thành lập chuỗi liên kết, nhưng khi sự việc xảy ra họ lại không được giải quyết. Một món nợ phải trả hai lần thì không ai chấp nhận. Nông dân làm đúng từ đầu nhưng cứ bị “gài”. Nhiều khi bị ép cũng ráng nhịn, nhịn vì để có đầu ra, vì được vay vốn”, ông Tấn trình bày.

Ông Nguyễn Văn Học, ngụ TP Châu Đốc, tham gia chuỗi liên kết cho rằng, lỗi là do việc lựa chọn doanh nghiệp, chứ không phải lỗi ở nông dân.

“Trong khi nông dân là bị hại, nghèo tới ba đời vì vẫn chưa trả hết số nợ vài chục tỷ đồng mà phía ngân hàng quy kết chúng tôi. Từ khi nuôi tới khi bán, nông dân không nhận được đồng tiền nào. Vậy mà trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ thì không đề cập đến việc vay trong thí điểm chuỗi liên kết, mà gọi là hợp đồng tín dụng là cố ý ép chúng tôi”, ông Học bức xúc.

Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang quả quyết: “Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định là vay trong chuỗi liên kết, chứ không phải hợp đồng vay thông thường. Còn cấp giải quyết vấn đề này là Thủ tướng Chính phủ. Sự đổ vỡ chuỗi này là ngoài ý muốn. Chúng tôi biết bà con rất bức xúc vì tiền bạc nhốt trong này, lại còn dính nợ xấu”.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Trần Văn Cường khẳng định, qua xem xét rất kỹ hồ sơ, ông chưa tìm ra được lỗi của người nông dân trong vụ phá vỡ chuỗi liên kết này.

“Nông dân thực hiện đúng điều khoản quy định giao cá cho Công ty Thuận An là hoàn thành nghĩa vụ. Trong hợp đồng nguyên tắc số 05 ngày 12-8-2014, tại sao chúng ta không thực hiện theo điều 4 hợp đồng, nếu các bên không thỏa thuận được tranh chấp thì kiện ra tòa. Nếu cứ ngồi họp 100 cuộc nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu căn cứ hợp đồng này kiện ra tòa, tôi tin chắc người nông dân sẽ không bị ghi nợ. Trong trường hợp này, Agribank có thể khởi kiện nông dân tranh chấp hợp đồng hoặc kiện Công ty Thuận An”, ông Cường nhấn mạnh.

Tổng kết buổi đối thoại, Giám đốc Sở Công thương An Giang Võ Nguyên Nam một lần nữa khẳng định, trong vụ việc này, các hộ dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết Tafishco không có lỗi vì tuân thủ đúng nguyên tắc hợp đồng.

Ông Nam cũng đề nghị, Ngân hàng NN-PTNT An Giang có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân, không thể ghi nợ và để nợ xấu.

“Tổ xử lý 441 sẽ có văn bản trình UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ về buổi đối thoại hôm nay, sẽ nêu rõ bản chất vấn đề và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh và các hộ dân trong chuỗi liên kết này”, ông Nam nói.

Tổng Giám đốc Công ty Thuận An ôm 80 tỷ đồng tiền bán cá của nông dân trốn ra nước ngoài.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG