00:00 Số lượt truy cập: 2668542

Phú Thọ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại 

Được đăng : 03/07/2018
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Phú Thọ đã đạt được kết quả khá toàn toàn diện, cơ bản bảo đảm các mục tiêu đề ra đến năm 2020. Trong đó, nông nghiệp liên tục duy trì tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008 - 2017 tăng 5,2%; an ninh lương thực được bảo đảm, sản lượng lương thực có hạt đạt 455 nghìn tấn, đạt 96,8% mục tiêu; sản lượng thủy sản đạt 34,3 nghìn tấn, đạt 85,7% mục tiêu; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 39,5%; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông, lâm, thủy sản đạt 93,36 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,1 lần so với trước khi thực hiện nghị quyết.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Từ năm 2014 đến 2017 toàn tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, có 61 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng; 27 dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động đã đóng góp vào tăng trưởng của ngành. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình khu dân cư, xã nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt cho người nông dân, ưu tiên hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về xóa đói, giảm nghèo; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân… Ðến nay, toàn tỉnh đã có 64 xã nông thôn mới, một huyện nông thôn mới.

Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh đề ra trong thời gian tới là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; tập trung cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn; phát triển nông thôn đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị. Theo đó, tỉnh phấn đấu tới năm 2025 và 2030 duy trì tốc độ tăng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 3 đến 3,5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm bình quân hơn 1%/năm; mỗi năm công nhận thêm từ 5 đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; cơ bản hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững, tiến tới không còn hộ nghèo vào năm 2030...

* Nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, khả năng tập hợp, vận động nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, ưu tiên sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ xã, phường, thị trấn.

Từ năm 2008 đến nay, Hà Tĩnh đã cử đi đào tạo, chuẩn hóa 7.992 lượt cán bộ, công chức cấp xã, nâng số lượng cán bộ đạt chuẩn về chuyên môn đối với cán bộ chuyên trách là 2.260 đồng chí, chiếm 87,16%; đối với công chức chuyên môn là 2.635 đồng chí, chiếm 99,58%. Cùng với đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các lớp chỉnh huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; mạnh dạn, thực hiện tốt công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ tại các xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Ðảng các cấp.

PV

 

Theo nhandan