00:00 Số lượt truy cập: 2662897

Phú Yên: Nhiều lợi ích từ trồng cây ngắn ngày ở vùng miền núi 

Được đăng : 23/08/2018
Ở vùng miền núi của tỉnh Phú Yên, các cây như sắn, đậu phộng và rau màu… là những loại cây ngắn ngày đang được bà con ưa trồng. Những loại cây này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngay, tạo ra đồng vốn linh hoạt để lấy ngắn nuôi dài, mà còn giúp bà con chủ động trong sản xuất khi gặp thiên tai hay giá thị trường xuống thấp.

 

Mô hình trồng mè của ông Lê Văn Vấn ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh). Ảnh: MINH DUYÊNQuay vòng vốn nhanh

Năm 2017, diện tích trồng mía trên địa bàn huyện Sông Hinh 3.681ha, tăng 271ha so với năm 2014. 6 tháng đầu năm 2018, diện tích trồng mía đã giảm dần xuống còn 3.635ha. Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, năm 2014 - 2017 là thời kỳ thịnh vượng của cây mía, mỗi hécta mía mang lại lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/vụ. Bước qua năm 2018, giá mía xuống thấp, người trồng lỗ hoặc chỉ ở mức hòa vốn, nên diện tích bắt đầu giảm. Những diện tích mía năm thứ 4 hoặc thứ 5, người dân không tái đầu tư nữa mà chuyển sang trồng sắn và các loại rau màu khác. Điển hình, từ đầu năm đến nay, địa phương đã trồng 765ha rau đậu các loại, trong đó cây dưa là 345ha, chiếm trên 45% diện tích. Nhiều năm liền, cây dưa được giá, mang lại thu nhập khá cho người trồng.

Cây ngắn ngày dễ chuyển đổi nên có nhiều cơ hội kết nối với doanh nghiệp thu mua, giúp đảm bảo về giá và đầu ra. Anh Trần Văn Hùng ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, cho biết: Tôi hợp tác với Công ty TNHH Mầm Xanh nên đã chuyển 1,5ha diện tích trồng mía sang trồng ngò và é quế. Công ty thu mua 100% sản phẩm đầu ra sau thu hoạch. Đồng thời trong quá trình sản xuất, công ty hỗ trợ 50% chi phí phân bón và kỹ thuật. Với giá thu mua hiện nay là 10.000 đồng/kg é quế và 15.000 đồng/kg ngò, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, cao hơn trồng mía gấp 3 lần.

Việc trồng xen canh cây ngắn ngày với cây lâu năm cũng là giải pháp bền vững duy trì ổn định sản xuất tại các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Nhun ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), cho biết: Tôi trồng xen canh cây bơ và cây rau màu trên diện tích gần 1ha đất sản xuất của gia đình. Khi cây bơ lớn, tôi tận dụng diện tích dưới gốc trồng các loại rau màu như bí, đậu phộng, mè… Cây bơ phải vài năm mới cho thu nhập, còn cây ngắn ngày, trồng vài tháng là có thu hoạch, cũng cho lãi 4 - 5 triệu đồng/tháng, đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Nhờ nguồn thu từ các loại cây ngắn ngày này mà gia đình tôi có đủ kinh phí đầu tư cho cây bơ.

Cây trồng chủ lực của các địa phương

Tại các huyện miền núi, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn vẫn là cây trồng chủ lực hiện nay. Huyện Sơn Hòa là vùng nguyên liệu mía chính của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, từ lâu địa phương đã hình thành được vùng chuyên canh cây mía gắn với các nhà máy chế biến, giúp người trồng mía có đầu ra tiêu thụ ổn định. Niên vụ mía 2017- 2018 này, diện tích thu hoạch của huyện là 15.615ha, cho năng suất hơn 71 tấn/ha, tăng 0,72 tấn/ha so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng mía cây đạt 1,1 triệu tấn, trong đó bán cho Nhà máy đường KCP Sơn Hòa là 1 triệu tấn, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát là 84.000 tấn, 27.000 tấn làm mía giống. Mặc dù năm nay giá mía xuống thấp, song diện tích trồng mía vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng diện tích gieo trồng; cùng với đó địa phương đẩy mạnh đưa giống mới cho năng suất cao, máy móc phục vụ sản xuất và kỹ thuật tiên tiến nên giảm thiểu tối đa chi phí đảm bảo người trồng mía cơ bản vẫn có thu nhập ổn định.

Ngoài cây mía, sắn, các địa phương còn phát triển nhiều loại cây ngắn ngày khác. Tại huyện Đồng Xuân, cây đậu phộng là loại cây thứ ba sau mía, sắn được trồng rộng rãi. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Cây đậu phộng xuống giống 358ha, hiện đã thu hoạch được 320ha, cho năng suất bình quân đạt 17 tạ/ha, tăng 3,7 tạ/ha so với cùng kỳ. Đây là cây trồng cạn, phù hợp điều kiện nước tưới còn hạn chế. Cây trồng khoảng 100 ngày là thu hoạch, nên một năm có thể gối nhiều vụ, thu nhập vì thế cũng cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Ngoài trồng đậu phộng, bà con còn mua máy ép dầu đậu phộng về làm dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), cho biết: Nhà tôi trồng 3 sào đậu phộng, sản lượng gần 9 tạ/vụ, thu được hơn 9 triệu đồng. Một năm ít nhất cũng được hai vụ, hơn hết là cây dễ sống nên có thể tận dụng canh tác trên những diện tích khô hạn không trồng được lúa.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, cây ngắn ngày không đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, lại nhanh thu hồi vốn nên phù hợp với hoạt động sản xuất của đại đa số các hộ dân. Đây đồng thời cũng là những cây trồng có diện tích sản xuất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao và giúp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Việc đa dạng các loại cây ngắn ngày thông qua những mô hình sản xuất đang giúp tạo ra càng nhiều việc làm cũng như nguồn thu nhập cho người dân vùng miền núi.

MINH DUYÊN