00:00 Số lượt truy cập: 2627050

Thi thiết kế biểu trưng Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột 

Được đăng : 03/07/2018
Chiều 27-6, Văn phòng UBND tỉnh Đác Lắc cho biết, UBND tỉnh Đác Lắc vừa tổ chức cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột để sử dụng chính thức trong các lần tổ chức Lễ hội định kỳ hai năm/lần.

 


Mang cây cà-phê diễu hành đường phố, một trong những hoạt động quảng bá hình ảnh cà-phê Đác Lắc tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI diễn ra vào tháng 3-2017.

Biểu trưng phải có tính khái quát, thể hiện được ý nghĩa, đặc trưng của Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, của tỉnh Đác Lắc và vùng Tây Nguyên; phải đạt được những yêu cầu về thiết kế như tính khác biệt, thẩm mỹ, độc đáo, ấn tượng, cảm xúc, dễ nhận biết, dễ ghi nhớ; phải thể hiện các giá trị như tinh thần đoàn kết các dân tộc, bản sắc văn hóa; tinh thần hội nhập quốc tế, phát triển của cà-phê Đác Lắc và vùng đất Tây Nguyên.

Biểu trưng không trùng lặp với bất kỳ biểu trưng (logo) nào đã có trong nước và quốc tế. Tác phẩm dự thi có thể được vẽ bằng tay hoặc được thiết kế bằng máy vi tính, thể hiện dưới dạng mầu sắc dương bản và âm bản, kích thước lớn và kích thước cực tiểu trên giấy trắng khổ A4; dễ dàng in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi, gia công được bằng mọi chất liệu, thuận tiện cho việc tuyên truyền và bảo đảm sử dụng lâu dài.

Ngoài ra, biểu trưng phải bao gồm cụm từ chính tên Lễ hội là “Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột”, kèm cụm từ phụ trợ bằng tiếng Anh “Buon Ma Thuot Coffee Festival”, có thể thêm phần thể hiện lần tổ chức “Lần thứ…”; kèm theo bản thuyết minh về ý tưởng, ý nghĩa của tác phẩm không quá 100 từ.

Thời gian tiếp nhận tác phẩm sau khi phát động đến hết 15-9-2018.

Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột được tỉnh Đác Lắc tổ chức định kỳ hai năm một lần và đến nay đã trải qua sáu lần tổ chức. Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và khẳng định sản phẩm cà-phê Việt Nam nói chung, cà-phê Buôn Ma Thuột, Đác Lắc nói riêng trên thị trường thế giới. Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào 2005.

Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư vào tỉnh Đác Lắc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên chung, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của khu vực phát triển nhanh và bền vững.

 

NGUYỄN CÔNG LÝ