00:00 Số lượt truy cập: 2626840

THIẾT KẾ LỒNG NUÔI CÁ CHIÊN 

Được đăng : 05/01/2018
1. Điều kiện tự nhiên: Điều kiện mặt nước tự nhiên như hồ chứa, sông ngòi ở vùng trung du và miền núi phía Bắc và khu vực hạ nguồn là tiềm năng to lớn cho nghề nuôi cá Chiên lồng. Lồng nuôi cá có nhiều loại khác nhau tùy theo vùng miền, tập quán và điều kiện tài chính: Lồng tròn thể tích vài trăm khối, kết cấu vững chắc thường nuôi hải sản các vùng biển mở hoặc hồ chứa.

h1

Hình 1:  Lồng hình tròn nuôi trên biển mở, hồ chứa

Cấu tạo lồng gồm các bộ phận chính: khung lồng, lưới lồng, phao nâng, neo hoặc rùa đá. Kích thước lồng từ vài mét khối đến vài chục mét khối, lồng nuôi biển đến hàng trăm mét khối.

Các đối tượng nuôi phổ biến lồng: cá Rô phi, cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Bỗng, cá Lăng, cá Chiên,  cá Chình vv. Thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng hoặc 2 năm.

 h2

 

Hình 2:  Lồng nuôi trên sông

 

2.           Chọn vị trí đặt lồng nuôi

v  Vị trí đặt lồng nuôi: Chọn nơi có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm từ nước thải công nghiệp, khu chế biến thực phẩm, nước thải sinh hoạt khu dân cư, lò mổ.

v  Điều kiện thủy lý hóa: Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa sau: pH 7,0- 8,0; oxy hoà tan >5 mg/lít; NH3 nhỏ hơn 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít.

v  Lưu tốc nước: Dòng chảy đạt lưu tốc 0,2- 0,3 m/giây.

v  Độ sâu: Đặt lồng nơi có bờ thoải không dốc, chiều cao mực nước đặt lồng ngập 1,2- 2 m, đáy lồng có đủ khoảng cách đấy hồ, sông lớn hơn 0,5 m.

v  Diện tích đặt cụm lồng: Vị trí có thể đặt được cụm lồng 10- 15 chiếc, lồng cách lồng 10- 15 m, đặt so le cho các lồng đều thông thoáng không bị nước quẩn. Trên hồ chứa nơi có có độ sâu lớn hơn 3 m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất, thoáng gió hoặc trong các eo ngách của hồ chứa nơi không có xoáy nước, không đặt lồng phía cuối eo ngách.

 

h3
Hình
3:  Nghề nuôi cá lồng trên sông

Đặt lồng nơi thuận tiện giao thông để vận chuyển vật tư, thức ăn, cá giống và thuận tiện khi thu hoạch cá thương phẩm. Không ảnh hưởng đến giao thông thuỷ, dòng chảy tự nhiên, gần nơi có điện lưới và đảm bảo an ninh trật tự tốt.

vMật độ đặt lồng nuôi

Số lượng lồng nuôi đặt trên đoạn sông đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của dòng chảy. Mật độ lồng nuôi trên hồ chứa không quá dày, cụm lồng không quá nhiều, khoảng 10- 15 lồng/cụm.

Các cụm lồng cách nhau 10- 15 m. Mật độ lồng trong hồ chứa diện tích khu vực đặt lồng không quá 0,2% tổng diện tích hồ. Ví dụ 1 ha mặt nước hồ chứa nên nuôi 1 lồng diện tích 20m2. Với mật độ nuôi lồng dầy, hồ chứa sẽ quá tải, vi sinh vật tại hồ không có khả năng hấp thu và xử lý toàn bộ chất thải từ cá nên gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong nội tại hồ.

3.           Vật liệu và thiết kế lồng nuôi

3.1.     Hệ thống khung lồng bằng thép ống

·        Thiết kế lồng nuôi

            Lồng nuôi cá gồm các bộ phận chính sau:

-      Khung lồng: Hệ thống xương đỡ cho lồng và cụm lồng được ổn định vững chắc trước các tác động của sóng, gió, mưa lũ. Vật liệu làm khung lồng bằng ống thép, gỗ, tre hoặc ống nhựa PE. Kích thước lồng và khung lồng tùy thuộc vào quy mô sản xuất, kinh phí đầu tư, vật liệu sẵn có và đối tượng nuôi.

-      Lưới lồng: Hệ thống lưới bao sát với khung lồng giữ cá và vật nuôi bên trong lồng. Lưới lồng hình chữ nhật, hình hộp hoặc hình tròn theo thiết kế khung lồng. Lưới lồng thường thiết kế rộng hơn khung lồng, đảm bảo tối đa thể tính của khung lồng và có hệ thống chống cá nhảy thất thoát khi thao tác kỹ thuật. 

-      Phao lồng: Hệ thống nâng đỡ làm nổi lồng và cụm lồng trên mặt nước. Phao sử dụng phuy nhựa, tôn 200 lít hay can nhựa loại 20 lít.

-      Sàn lồng: Sử dụng khoảng cách giữa các lồng được ghép ván gỗ, tre để làm lều, kho chứa và đường đi.

-      Rùa đá, neo lồng: Hệ thống giữ ổn định cho lồng và cụm lồng trước tác động của sóng, gió và dòng chảy.

h6

Hình 4. Cụm lồng nuôi

Lồng nuôi có kích thước loại nhỏ 8m x 2,5m  x 2m, gồm mỗi dãy 2 ô, mỗi ô có kích thước 4m  x 2m  x 2,5m. Hệ thống phao nâng dùng bằng phuy nhựa 200 lít cố định với khung lồng. Mỗi ô lồng hình hộp chữ nhật liên kết với nhau bằng hệ thống thanh giằng ngang và dọc giữ cố định lồng.

·        Thiết kế khung lồng:

Khung lồng là hệ thống khung nâng đỡ cho toàn bộ hệ thống lồng nuôi trong điều kiện ổn định nhất và các điều kiện phụ trợ kèm theo cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên mặt nước hồ chứa.

 

h7
Hình 5. Khung lồng bằng thép ống

Tùy theo điều kiện cụ thể mà thiết kế khung lồng có kích thướt lớn hay nhỏ, thường kích thước: 14m x 10,5m, gồm 2 dãy mỗi dãy 3 ô để mắc lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 4,5m x 4m. Phao làm bằng thùng phuy 200lít và được cố định với khung lồng ở những vị trí theo (hình 7).

Các thanh khung sắt hàn cách nhau 0,5 m để khi đặt phuy vào làm phao, 1/3 phuy sẽ lọt vào giữa 2 khung sắt. Toàn bộ các điểm nối ống sắt dọc và ngang được hàn gắn chặt với nhau tạo thành khung lồng như hình 1, các phuy sắt làm phao được liên kết với khung lồng bằng dây thép.

·        Thiết kế lưới lồng

+ Lồng lưới nuôi cá có tác dụng giữ cá trong lồng nuôi, đảm bảo độ thoáng cho nước lưu thông dễ dàng. Quy cỡ mắt lưới phụ thuộc vào cỡ cá giống thả nuôi. Mắt lưới lồng ương cá giống: a = 5 hoặc a= 7. Lồng lưới nuôi cá thương phẩm dùng mắt lưới a = 9 hoặc a= 15.

+ Lưới lồng nuôi được thiết kế hình hộp chữ nhật hay hộp vuông có các giềng xương chịu lực nâng đỡ cho toàn bộ lưới lồng và cá nuôi trong lồng.

 

h8
Hình 6. Lưới lồng

+ Giềng lưới lồng và dây góc có tác dụng giữ cho lưới lồng trong nước có thể tích ổn định không bị dòng chảy, sóng gió làm cho thể tích bị co hẹp lại. Tiêu chuẩn giềng lưới và dây góc buộc treo lồng vào khung bằng dây nilon hoặc dây cước Ø 16- 18 mm.

+ Thiết kế lưới lồng sao cho khi mắc lên khung lồng để nuôi cá, mắt lưới lồng có hình quả trám (hình thoi) dọc, hệ số mắt lưới thu gọn: 0,7 đảm bảo cho lưới lồng có khả năng chịu va đập của sóng, gió và dòng chảy không làm cho lưới lồng bị rách, bảo vệ được cá nuôi an toàn.

+ Nắp miệng lồng lưới nuôi cá: Lồng nuôi cá có nắp để bảo vệ cá không thoát ra ngoài do cá nhảy hoặc sóng gió đánh tung cá ra ngoài. Nắp miệng lồng lưới vừa khít, phẳng không võng xuống mặt nước với miệng lồng, giữ chiều cao xuống mặt nước tối thiểu 0,5 m.

·        Thiết kế phao nâng

            + Phao nâng khung và lồng dùng bằng thùng phuy đậy nắp kín, thùng nhựa hoặc xốp bọt biển. Các hệ thống phao dùng cho lồng nuôi cá trong nước ngọt đều được sử dụng bằng thùng phuy dung tích 200 lít.

h9

Hình 7. Phao lồng nuôi cá

            + Số lượng phao nâng tuỳ theo quy cỡ lồng nuôi. Phao được bố trí xung quanh khung lồng với khoảng cách 2 m/phao.

            + Cố định phao trong khung lồng nuôi bằng dây thép Ø6, phao nằm trong vị trí của khung lồng (hình 9).

·        Thiết kế neo đá lồng nuôi 

Dùng bằng chì hoặc bê tông để đối trọng, giữ cho lưới lồng ở vị trí ổn định theo thiết kế.

·        Thiết kế sàn lồng

h10

Hình 8. Sàn lồng bằng ván gỗ

Trên bề mặt của khung lồng rộng 0,5 m, ghép ván sàn hoặc tre, lứa để thao tác cho cá ăn và kiểm tra lưới, vệ sinh lồng. Một cụm lồng bố trí một nhà trực để bảo vệ, chăm sóc cá và chứa thức ăn.

3.2.      Hệ thống lồng tre

·        Vật liệu

Khung lồng làm bằng tre già, thẳng mỗi cây dài khoảng 4m đến 5m, liên kết nhau bằng dây thép. Phao bằng phuy 200lít. Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc.

·        Khung lồng

            Khung lồng có kích thước: 16x 10m làm thành 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, mỗi ô thước 5x 4m để mắc lưới lồng. Các cạnh của khung lồng gồm 5 cây tre ghép sát nhau rộng khoảng 0,6m bằng dây thép. Phao được dùng bằng thùng phuy sắt và liên kết với khung lồng bằng dây thép Ø6.

 

h11
Hình 9: Lồng nuôi bằng tre

Các chỉ tiêu kỹ thuật và thiết bị phụ trợ giống như thiết kế cho khung lồng bằng thép. Lồng lưới có thiết kế lưới và tiêu chuẩn kỹ thuật như ở lồng khung bằng thép, chiều sâu 2,5m, chiều sâu mức nước thả nuôi là 2,0 m.

3.3.     Hệ thống lồng gỗ

·        Vật liệu

Gỗ hộp có kích thước: 5x 10cm có chiều dài từ 4- 6m, buloong Ø12 dài 20cm. Phao bằng thùng phuy sắt 200lít và dây thép Ø6.

·        Khung lồng gỗ

Các thanh gỗ hộp 5x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m được liên kết bằng buloong Ø12 dài 20cm. Phao bằng thùng phuy sắt 200lít, được liên kết với khung lồng bằng dây thép. Khung lồng có kích thước 14x 10,5m được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, ô kích thước 4,5x 4m. Khung lồng nhìn trên xuống chưa lắp ván đi (hình 6):

Các chỉ tiêu kỹ thuật và thiết bị phụ trợ giống như thiết kế cho khung lồng bằng thép. Lồng lưới có chiều sâu 3m, chiều sâu mức nước thả nuôi là 2,5 m. Như vậy kích thước mỗi lồng nuôi là 4,5 x 4x 3 m. Thiết kế như tiêu chuẩn kỹ thuật của lồng nuôi khung bằng thép.

 

h12
Hình 10. Lồng nuôi bằng gỗ.

Tùy đối tượng nuôi mà bố trí lớp lưới thành bảo vệ chống thất thoát cá khi thao tác kỹ thuật hoặc gặp mưa lũ bất thường. Lớp lưới chắn cao 0,5- 1m. Ngoài ra, phía trong thành lưới có lớp lưới cao hơn mặt nước 0,1- 0,2m ngăn thức ăn cho cá không bị trôi dạt./.

KS Nguyễn Thị Loan