00:00 Số lượt truy cập: 3079268

1 vải sớm bằng 3-4 lần vải thiều chính vụ 

Được đăng : 03/11/2016
Bình thường những năm trước đây phải tới Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng năm âm lịch) mới bắt đầu có vải chua tu hú để nhà nhà “giết sâu bọ” nhưng năm nay mới bắt đầu tháng Tư âm lịch (giữa tháng 5 dương lịch), khi chúng tôi về các huyện Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng của tỉnh Quảng Ninh, bà con vừa thu hái và tiêu thụ xong giống vải chín sớm Bình Khê cho hiệu quả kinh tế rất cao.


Vừa giao xong những xe hàng cuối cùng, chủ nhiệm HTXDV Phong Thái, xã Phương Nam, thị xã Uông Bí tiếp chúng tôi: “Với sự trợ giúp của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong những năm gần đây xã Phương Nam đã đưa giống vải chín sớm Bình Khê làm cây kinh tế mũi nhọn. Toàn xã hiện có 225 ha giống vải sớm Bình Khê, riêng thôn Phong Thái đã chiếm tới 72 ha, thu gần 200 tấn quả, bán giá bình quân 20-24 ngàn đồng/kg thu về trên 4 tỷ đồng”.

Do hợp với đồng đất và khí hậu nên giống vải Bình Khê ít bị mất mùa như các giống vải khác, chín sớm, bán được giá cao trong khi giống vải thiều chính vụ thường hay bị mất mùa, nhiều năm rớt giá thảm hại, không hiệu quả nên cả thôn có 102 hộ thì tất cả đều đã chuyển đổi giống vải thiều sang trồng giống Bình Khê. Theo ông Hải, 1 sào đất trồng được 12-14 cây vải chín sớm, đến tuổi ổn định cho thu bình quân 50kg/cây, bán với giá như năm nay cho thu không dưới 12 triệu đồng/sào, cao gấp 3-4 lần vải thiều chính vụ. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cả đất lúa vùng trũng, đắp ụ trồng vải Bình Khê, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, gấp nhiều lần cấy lúa bấp bênh.

PGS.TS. Vũ Mạnh Hải, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Mô hình ghép cải tạo thay giống cho các vườn vải thiều chính vụ bằng các giống vải chín sớm Hùng Long, Bình Khê, Yên Hưng, Phúc Hòa v.v… do Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với Sở KHCN tỉnh Bắc Giang đang triển khai thực hiện ở một số xã ở huyện Lục Ngạn bước đầu cho kết quả rất tốt: những cây ghép cải tạo sau 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch bán được giá cao trong khi nhiều diện tích vải chính vụ không ra hoa, đậu quả gây thất thu. Viện sẽ nhanh chóng phối hợp với Sở KHCN và ngành nông nghiệp Bắc Giang đánh giá, tổng kết, báo cáo Bộ NN-PTNT để khuyến cáo nhân rộng các mô hình.

Đến thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, chủ vườn Phạm Khắc Huyến cho hay, theo sự chỉ dẫn của cán bộ Viện NC Rau quả, trong vườn anh trồng nhiều giống như: các giống chín sớm Bình Khê, Yên Hưng, vải Tàu lai, vải thiều chính vụ nhưng năm nay chỉ có các giống vải chín sớm là đậu quả và cho thu hoạch trong khi giống vải thiều ta hầu như thất thu vì tỷ lệ đậu quả và rụng quả non hầu như gần hết. Anh vừa thu hoạch xong 20 cây vải Bình Khê được 500kg quả, chỉ khoảng 10 ngày nữa bắt đầu thu đến giống Yên Hưng và giữa tháng 6 sẽ là giống vải thiều chính vụ. Ngoài ưu điểm chín sớm bán được giá cao thì việc bố trí hợp lý cơ cấu các giống giúp rải vụ thu hoạch rất tốt, tránh được tình trạng vải chín dồn dập thu không kịp gây hư thối hoặc rớt giá như nhiều năm trước đây.

Khác với ở Đồng Triều và Uông Bí, bà con thôn Đông Mai, xã Mai Hòa, huyện Yên Hưng lại ưa giống vải chín sớm Yên Hưng do Viện Nghiên cứu Rau quả chọn tạo từ những cây đầu dòng ngay trên đất Yên Hưng cách đây ít năm. Anh Nguyễn Hữu Tư chỉ ngôi biệt thự rộng 120m2 sàn, vốn xây dựng gần 400 triệu đồng đang vào giai đoạn hoàn thiện nằm ngay dưới chân đồi vải sai trĩu quả sắp cho thu hoạch khoe với chúng tôi: “Tiền bán vải 3 năm đó chú”.

Theo anh Tư, hiện nay Đông Triều đang có chủ trương chặt bỏ bớt vải thiều chính vụ để chuyển sang trồng các cây nguyên liệu khác như keo, tràm… vì mấy năm liền vải thiều hầu như không đậu quả, gây thất thu, bà con chán nản bỏ không chăm sóc trong khi giống Yên Hưng dễ trồng, chịu hạn và không kén đất, có thể trồng trên những vùng đất đồi núi bạc màu lẫn sỏi đá như ở đây mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, năm nào cũng sai quả, hầu như không bị mất mùa do thời tiết và bán được giá cao gấp 4-5 lần so với vải thiều chính vụ. Hiện nông dân Mai Hòa nói riêng, Yên Hưng nói chung đang tích cực chuyển đổi sang trồng giống vải chín sớm này.