Vị thế nông nghiệp sẽ tiếp tục được nâng cao nếu giải quyết đúng vấn đề chất lượng nông sản |
KINH TẾ KHÓ KHĂN, NÔNG NGHIỆP CÀNG Ý NGHĨA
Thưa Bộ trưởng, các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà xã hội học đều cho rằng nông nghiệp năm qua tiếp tục đóng vai trò phao cứu sinh cho nền kinh tế, ổn định xã hội nhờ những bước tăng trưởng vững chắc. Nói không quá, nhìn nhận 20 năm trở lại đây, người ta tổng kết cứ lúc nào kinh tế khó khăn nhất là bao giờ cũng trở về nông nghiệp, nghĩ đến nông nghiệp, nông thôn. Cảm nhận của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Trước hết, giá trị sản xuất NN của một nước có thể thấp nhưng luôn có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần ổn định xã hội; đến lãnh thổ.
Hội nghị cấp Bộ trưởng về vấn đề nông nghiệp, PTNT và xóa đói giảm nghèo mà chúng ta chủ trì năm qua tại Hà Nội thì tất cả các Bộ trưởng khối ASEAN đều thừa nhận điều đó. Trong lúc kinh tế khó khăn, phát triển nông nghiệp, nông thôn rất quan trọng. Thực tiễn 2 năm gần đây minh chứng rất rõ. Kinh tế chung khó khăn nhưng đời sống bà con nông dân tiếp tục được cải thiện là nhờ tăng trưởng nông nghiệp. Nông nghiệp đảm bảo lương thực, thực phẩm với giá cả ổn định cho các đô thị. Nông thôn tiếp tục là nơi cưu mang, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận lao động gặp khó khăn về việc làm. Nói phao cứu sinh cho nền kinh tế là một cách nói, và có căn cứ để nói.
Để nông nghiệp phát triển ổn định, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách tốt hơn nâng cao sức sáng tạo của nông dân. Cán bộ, đảng viên nhận thức đúng chính sách đổi mới để thúc đẩy kinh tế nông thôn. 20 năm qua ta có đường lối, có cơ chế chính sách tốt; một mặt trong Đảng, Chính phủ rất quyết tâm. Tất cả đã làm thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong mặt trận nông nghiệp.
Về nhận thức, cơ bản chúng ta đã giải quyết xong rồi đấy chứ, thưa Bộ trưởng?
Như Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, mặc dù trong Đảng đã được xác định, nhưng một bộ phận đảng viên vẫn chưa thông đâu. Vấn đề nhận thức là quá trình rồi mới biến thành hành động cụ thể được.
Cả 2 năm 2008 và 2009 sản xuất nông nghiệp đều rất khó khăn nhưng theo Bộ trưởng năm nào khó khăn hơn?
Theo tôi 2009 là năm khó khăn hơn. 2008 rét hại đầu năm làm chết số lượng lớn gia súc, mạ, nhưng khi vượt qua nó lại là yếu tố thuận lợi cho SX lương thực, là năm được mùa lớn đã tạo tốc độ tăng trưởng rất cao cho toàn ngành. Xét ra năm 2008 khó khăn về thời tiết nhưng thuận lợi về thị trường. Năm 2009 thị trường khó hơn rất nhiều. Mà trong kinh tế thị trường thì thị trường là quyết định. Năm nay một mặt ta phải duy trì tốc độ tăng trưởng trên một cái nền năm 2008 có tốc độ tăng trưởng đạt rất cao. Trong khi đó xuất phát điểm năm 2009 rất thấp do vụ đông 2008 mất một nửa vì lũ lụt.
Giờ ngồi đánh giá lại, ấn tượng nhất nông nghiệp 2 năm qua của Bộ trưởng là gì?
Đó là sự ra đời của Nghị quyết TW 7 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây là chính sách lớn rất quan trọng cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay, tạo một triển vọng mới. Như chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nhân lực cho nông thôn (1 triệu người); Nghị định về an ninh lương thực quốc gia... cùng một loạt chính sách lớn khác. Chính phủ chỉ đạo kịp thời ngành Ngân hàng ưu tiên cho vay kích cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính nỗ lực đó của Chính phủ và các Bộ, ngành và địa phương nên, cho dù mức tăng trưởng NN 2009 (3%) thấp hơn 2008 nhưng vẫn đạt mức cao, trong đó có những lĩnh vực tăng rất mạnh như SX XK cao su, thủy sản, lâm nghiệp...
Tổng kim ngạnh XK đạt 15,2 tỷ USD, giảm so năm trước 7,7% nhưng trong khó khăn chung đạt được mức đó là nỗ lực ghi nhận. Lúa gạo XK tới 6 triệu tấn, so năm trước chỉ 4,5 triệu tấn. Hầu hết các mặt hàng XK đều tăng lượng. Đáng tiếc vì giá nông sản thế giới giảm đã ảnh hưởng không nhỏ kim ngạch xuất khẩu.
Vâng, thật là tiếc, nhưng như Bộ trưởng nói, thị trường là chấp nhận cạnh tranh. Vậy lĩnh vực nào mà Bộ trưởng còn e ngại về năng lực cạnh tranh ?
Lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều của ta có năng lực cạnh tranh khá cao dù đương nhiên còn phải phấn đấu nhiều so với một số nước SX lớn. Lợi thế cạnh tranh được tạo ra bởi lợi thế so sánh do điều kiện thiên nhiên đem lại. Và thứ đến do nỗ lực về nhiều mặt của quốc gia. Chúng ta thì mới ở giai đoạn đầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường nên không tránh khỏi những tồn tại về các yếu tố trong lợi thế so sánh.
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nhạy cảm, giới truyền thông có cái khó là thế này: Nếu mình không nói mạnh thì người ta lại nhờn. Nhưng nếu nói mạnh quá, đôi khi dư luận lại hoang mang? Quan điểm của tôi là nói thẳng, nói thật, nói chính xác. Chúng ta phải nói, nói thật để người sản xuất và tiêu dùng hiểu để có sự lựa chọn đúng đắn. |
CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN LÀ TRỌNG TÂM
Năm qua có 2 vấn đề lớn ta bàn nhiều là vệ sinh an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cho biết một số nét chính giải quyết vấn đề này thế nào?
Phải nói đây là hai vấn đề rất lớn, rất quan trọng của đất nước. Ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy với nội dung tập trung cải thiện hành lang pháp lý về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng nông sản. Ở cấp Bộ đã thành lập được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản.
Nghĩa là bước đầu chúng ta rạch ròi hơn; làm rõ hơn một bước trách nhiệm giữa Bộ NN-PTNT và Bộ khác về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương và trực tiếp triển khai nhiều lĩnh vực công tác liên quan, từ quy hoạch, áp dụng quy trình kỹ thuật, đặc biệt quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn trong rau quả, chè, chăn nuôi, thủy sản...
Thực hành nông nghiệp tốt bước đầu thành một phong trào, quản lý được vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra, kể cả tiêu thụ trong nước và XK. Chúng ta đang tập trung vào quản lý thuốc BVTV; quản lý chất lượng rau, thịt, cá, các mặt hàng thiết yếu có yếu tố nguy cơ cao và đã có bước chuyển biến. Bộ xác định tăng cường rất mạnh mẽ việc quản lý này trong năm 2010. Trong bối cảnh các nước dựng lên rất nhiều hàng rào chất lượng sản phẩm nhập khẩu, càng buộc chúng ta phải quản lý tốt hơn.
Còn biến đổi khí hậu, chúng ta đều biết đã ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến các chiến lược và kế hoạch phát triển của toàn ngành. May mắn, liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận được ủng hộ lớn của quốc tế. Năm qua tôi đã dẫn đoàn công tác của Liên hiệp quốc và Ngân hàng thế giới khảo sát vùng ĐBSCL, chúng tôi thảo luận trên thực địa tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến VN. Năm qua, một thứ trưởng của Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo về biến đổi khí hậu và thực tế anh dành gần như hết thời gian cho công việc khó khăn này.
Xin hỏi Bộ trưởng, năm 2010 trọng tâm của ngành NN-PTNT là lĩnh vực nào?
Chất lượng nông sản và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề trọng tâm.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!