00:00 Số lượt truy cập: 3066523

24 xã có dịch cúm gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016
* Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch nuôi mới đàn thủy cầm sau 2008

* Gia tăng số vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu





Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày hôm nay (2/1), đã có 24 xã của 14 huyện thị, thuộc ba tỉnh, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang xuất hiện dịch cúm gia cầm.

Tổng số gia cầm chết là 5.979 con, tiêu hủy trong vùng dịch là 15.968 con, tiêu hủy ngoài vùng dịch là 6.960 con. Cục Thú y cũng đã cung cấp 1.890.000 liều văcxin cho các tỉnh.



Cục Thú ý nhận định, trong tuần qua dịch cúm gia cầm đã tái phát tại tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới, dịch có thể tiếp tục lây lan rộng tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và lây lan ra các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dịch cũng có thể tái phát tại các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh biên giới.



Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chiều nay (2/1), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo chống dịch. Bởi trên thực tế, các địa phương để xảy ra dịch là do lơ là trong công tác kiểm tra, chỉ đạo chống dịch. Trong ba năm qua, có những địa phương làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, chỉ đạo chống dịch kiên quyết nên đã không để tái phát dịch như Thái Bình…



Theo Thứ trưởng Bổng, ở nước ta, vận chuyển trái phép gia cầm không qua kiểm dịch không bao giờ chấm dứt và đặc biệt càng bùng phát mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó là tư tưởng chủ quan, coi thường dịch của người dân nên nguy cơ xuất hiện các ca bệnh trên người trong thời gian tới là có thể. Thứ trưởng Bổng cũng dẫn chứng việc 4 người trong một gia đình ở ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau thịt gà bệnh ăn, tuy kết quả xét nghiệm âm tính nhưng điều đó cho thấy người dân vẫn chưa nhận thức rõ nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở gia cầm và người. Do đó, Cục Thú y nên xây dựng biểu đồ chống dịch trên toàn quốc để phát hiện những điểm yếu và có biện pháp khắc phục.



Trước nguy cơ có thể bùng phát dịch cúm gia cầm trong dịp sát Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang nhanh chống huy động mọi lực lượng để tham gia nhanh chóng dập dịch, không để dịch lây lan rộng hơn. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng đề nghị các Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công đi chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người nhanh chóng sắp xếp lịch công tác. Bộ NN&PTNT sẽ cử các lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia đoàn công tác với các thành viên Chính phủ.


Tại cuộc họp chiều nay, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch cho việc nuôi mới đàn thủy cầm sau 2008. Kế hoạch này còn phụ thuộc vào tình hình dịch và chống dịch của các địa phương trong thời gian tới.



Hiện nay, đối với một số địa phương, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc chăn nuôi thủy cầm là nguồn sống của người dân. Hơn nữa, việc nuôi thủy cầm theo chuồng trại để chống dịch không thể sinh lời cho người dân do chi phí thức ăn cao, không tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên…



Gia tăng số vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu


Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy, trong tuần qua, số vụ vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch hoặc tiêm phòng tăng mạnh, đặc biệt là ở TPHCM. Cụ thể:



TPHCM: Tổng số vụ vi phạm là 118 vụ, tăng 69 vụ. Bắt một vụ vận chuyển 1.009 con gà ri đã chết chưa lấy lục phủ ngũ tạng từ Tiền Giang lên TP.HCM.



Hà Nội: Tiêu hủy 490 trứng gia cầm, 47kg gà, 67 ngan, và 17 gà chưa kiểm dịch. Phạt vi phạm hành chính 1.000.000 đồng.



Lạng Sơn: Bắt 9 vụ, tiêu hủy 770kg gà, 128kg nầm lơn, 230kg tim, 100kg thịt bò. Phạt hành chính 900.000 đồng.



Long An: Kiểm tra 410 lượt. Bắt 6 vụ. Tiêu huỷ200 trứng vịt, 1.500 vịt con, khử trùng 385 lượt vận chuyển.



Đồng Tháp: Tiêu huỷ 212kg gà, 4.277 trứng gà vịt, 2.600 trứng cút.