00:00 Số lượt truy cập: 3082851

7 giải pháp kích thích tăng trưởng xuất khẩu 

Được đăng : 03/11/2016
Từ cuối năm 2008 đến nay, lĩnh vực xuất khẩu (XK) chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhằm tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu thời hậu khủng hoảng, Bộ Công Thương xác định, phải cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo và chế biến để gia tăng giá trị, phấn đấu kim ngạch XK năm 2009 đạt 64,57 tỷ USD.

Chè, nông sản xuất khẩu có thế mạnh của nước ta.

Xuất khẩu suy giảm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 ước đạt 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, nhóm mặt hàng nông, thủy sản đạt 7,13 tỷ USD, giảm 8,2%. Một số mặt hàng có số lượng tăng như gạo tăng 45%, càphê 19%, chè 14%... nhưng do giá XK bình quân giảm nên kim ngạch cũng giảm theo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận định: “Trong 7 tháng qua, XK bị ảnh hưởng nhiều nhất do khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, không có nghĩa là bức tranh XK hoàn toàn u ám mà vẫn có những điểm sáng như nhiều mặt hàng XK tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) ký được hợp đồng mới, chương trình cho vay kích cầu có hiệu quả, dự báo giá các mặt hàng XK bắt đầu tăng trở lại”.

Tận dụng gói kích cầu của Chính phủ, nhiều DN đã tranh thủ cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án nên trong tháng 5 - 6, hoạt động sản xuất của nhiều DN bắt đầu hồi phục. Đánh giá tình hình triển khai các nhóm giải pháp đẩy mạnh XK trong 7 tháng qua Bộ Công Thương nhận định: với việc Bộ Tài chính đưa ra hàng loạt các biện pháp điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu sản xuất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV/2008 và năm 2009 cho DN nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục hải quan đã giúp DN xuất nhập khẩu giảm bớt khó khăn, giảm chi phí giá thành sản phẩm, chi phí quản lý thuế.

Tuy nhiên, có một thực tế là các thị trường xuất khẩu chính của ta đều giảm cả về số lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu (Hoa Kỳ giảm 7%, EU 10%, ASEAN 6%). Việc các thị trường chính giảm nhu cầu nhập khẩu (hiện chiếm 60% tổng trị giá hàng hóa XK của nước ta) đã gây khó khăn rất lớn cho Việt Nam trong việc tìm kiếm các thị trường XK mới để bù đắp cho sự sụt giảm này.

7 giải pháp điều hành xuất khẩu

Theo ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, muốn ra khỏi suy thoái, Việt Nam phải chú trọng các biện pháp tăng cường XK mà không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, phải thay đổi cơ cấu hàng hóa, tất nhiên cần xem xét lĩnh vực nào hồi phục, thị trường nào hồi phục trước thì đẩy mạnh loại hàng hóa đó. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, để đẩy mạnh XK, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các giải pháp xúc tiến XK quốc gia nhằm mở rộng và chuyển hướng thị trường XK, thực hiện chính sách thuế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ XK, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Về phần mình, các DN cần tích cực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, để có thể tồn tại và phát triển trong những điều kiện khắc nghiệt.

Để hoàn thành mục tiêu XK năm 2009, các DN có một số kiến nghị như: Các chính sách hỗ trợ XK thông qua vay vốn kích cầu cần lưu ý đến mảng đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại. Tạm hoãn thu thuế giá trị gia tăng, dự báo giá cả thị trường chính xác, điều chỉnh biên độ tỷ giá hợp lý.

Trong thời gian còn lại của năm 2009, Bộ Công Thương đã đề ra 7 giải pháp điều hành XK. Theo đó, tiếp tục triển khai các nội dung của Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung tháo gỡ các khó khăn về thị trường, sản xuất, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng XK 3%; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế XK, thuế nhập khẩu một số mặt hàng và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh XK. Các giải pháp còn lại bao gồm nâng cao hiệu quả dự báo thị trường, đánh giá khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; tổ chức các hội nghị chuyên đề về XK để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; tăng cường hoạt động của tổ công tác liên ngành; chuẩn bị cho kế hoạch XK 2010. Hy vọng với các nhóm giải pháp này, “bức tranh” XK dần lấy lại gam màu sáng.