Phải lần thứ ba tìm đến Ngọc Bay tôi mới gặp được anh, một nông dân "tiên phong" trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cũng nhờ vậy, gia đình anh không những thoát được đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương mình. Anh là A Trũi, ở thôn Kon Hơ Ngo Klah, xã
Trong ngôi nhà khang trang trị giá gần 300 triệu đồng, A Trũi kể cho tôi nghe về những ngày tháng vượt qua nghèo đói của mình. Ngày trước, cũng như bao nông dân khác ở Ngọc Bay, gia đình anh sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống nên năng suất rất thấp. Đây là nguyên nhân khiến nông dân tuy vất vả làm lụng nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái đói... Dừng một lúc, anh nói: "Bây giờ khác rồi, cũng diện tích ấy, cây trồng ấy nhưng do biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất tăng gấp mấy lần. Ví như cây mía, loại cây chủ lực của gia đình mình. Để thu được hàng trăm triệu đồng, mình phải chú ý đến các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây để chăm bón cho hợp lý. Đặc biệt, chọn giống mía và bón thúc khi mầm mía phát triển thành cây là khâu quyết định đến năng suất cây trồng".
- Những kỹ thuật này anh học ở đâu? - Tôi cắt lời A Trũi.
- Thì mình học từ cán bộ kỹ thuật của nhà máy đường đóng trên địa bàn và kinh nghiệm tích luỹ được trong lao động sản xuất.
A Trũi cho biết thêm: Với 3 ha mía, vụ thu hoạch vừa qua gia đình anh thu trên 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 8 con bò để lấy phân bón ruộng và sức kéo phục vụ nông nghiệp; trồng 1,8 ha ngô lai và 5 sào lúa nước hai vụ. Đặc biệt, nhờ thành thạo kỹ thuật trồng và chăm sóc mía, cũng như sở hữu diện tích mía nguyên liệu lớn nhất nhì địa phương, gia đình A Trũi được Nhà máy Đường Kon Tum chọn làm điểm để xây dựng mô hình cho bà con ở xã Ngọc Bay học tập... Hiện tại, ngoài ngôi nhà trị giá gần 300 triệu đồng, gia đình anh còn mua sắm được ti vi, xe máy và các vật dụng đắt tiền khác.
A Trũi xứng đáng là tấm gương sáng để bà con nông dân học tập và làm theo.