Những ngày vừa qua, giá thực phẩm tăng vù vù trước sự bất lực của các cơ quan quản lý giá. Câu hỏi đặt ra ở đây, ai là người thao túng và hưởng lợi nhiều nhất khi giá thực phẩm tăng? NNVN đã vào cuộc tìm hiểu đường đi của nông sản, thực phẩm từ vùng nguyên liệu đến tay người tiêu dùng.
RAU LÃI GẤP MƯỜI
Chiều 14/8, chúng tôi có mặt tại vựa rau của thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đúng lúc bà con nơi đây đang cắt rau bán cho thương lái. Nhà có 2 mẫu rau muống, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Thêu ở thôn Công Luận đều hái bán cho thương lái khoảng 150 mớ rau muống cỡ vừa với giá 1.000 đồng/mớ. Ngay bên cạnh nhà bà Thêu, gia đình chị Trần Thị Bích chuyên trồng rau đay, mồng tơi với diện tích 5 sào.
Buổi chiều nào chị Bích cũng tranh thủ ra ruộng hái 70 - 80 mớ rau đay, mồng tơi bán cho lái buôn về thu gom với giá 500 đồng/mớ. Sau khi thu gom được một lượng lớn rau tại thị trấn Văn Giang, cô lái buôn tên Quyên tiếp tục tới các xã khác thu gom vẫn với khung giá trên. Đến khi đầy một xe tải 3,5 tấn, cô này mới cho xe chạy thẳng về khu vực chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội để rao bán.
Rau từ các vùng lân cận được bán cất tại chợ đầu mối Long Biên |
Tại chợ Long Biên, cô lái buôn tên Quyên không ngần ngại giao bán rau muống với giá 3.000 đồng/mớ, rau đay, mồng tơi giá 2.500 đồng/mớ. Phải đến 5h sáng hôm sau, xe rau của Quyên mới được bán hết với giá bình quân 2.500 - 3.000 đồng/mớ. Như vậy, ở khâu trung gian đầu tiên, chưa trừ các chi phí, lái buôn đã lãi gấp đôi giá gốc. Tiếp tục đường đi của mặt hàng rau xanh và sự thăng thiên của giá trị sản phẩm. 8h sáng ngày 15/8, các cửa hàng phân phối bán lẻ rau ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai… tấp nập đến chợ Long Biên mua cất rau với số lượng lớn. Và ngay buổi sáng hôm đó, một mớ rau muống cỡ nhỏ được bán tại chợ Kim Liên giá 5.000 đồng, cỡ vừa là 8.000 đồng. Tại các chợ nội thành như chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Cầu Giấy… giá một mớ rau muống cỡ vừa thậm chí được bán với giá 10.000 đồng.
Các mặt hàng rau cải, khoai sọ, mướp, bí xanh, bí đỏ đường đến tay người tiêu dùng cũng tương tự. Nếu như khoai sọ được bán tại ruộng ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên giá 7.000 đồng/kg thì tại các chợ bán lẻ của Hà Nội giá 1kg khoai sọ dao động từ 18.000 – 20.000 đồng. Tại vựa rau Mê Linh, Hà Nội, rau cải ngọt được bán cho lái buôn với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng giá của loại rau này thấp nhất là 15.000 đồng. Rau ngót bán tại ruộng là 1.000 - 2.000 đồng/mớ tùy loại thì tại Hà Nội giá rau ngót là 5.000 đồng/mớ nhỏ và 7.000 đồng/mớ to. Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy, nếu trừ hết chi phí xăng dầu, cầu phà, luật lá… mỗi chuyến rau lái buôn thu lãi về cả triệu đồng nhờ ăn chênh lệch giá.
THỊT, CÁ LÃI GẤP ĐÔI
Tương tự mặt hàng rau xanh, giá cả và đường đi của mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, tôm cũng không có gì khác. Dạo quanh một vòng các chợ thực phẩm tại Hà Nội hỏi giá gà ta, chúng tôi đều nhận được mẫu số chung 130.000 - 140.000 đồng/kg gà ta chưa vặt lông. Một chị bán hàng không ngần ngại nói thẳng, nếu mua với giá 130.000 đồng/kg thì chấp nhận thiếu 2 lạng, còn mua với giá 140.000 đồng thì đủ cân, nên xét cho cùng chị ta khuyên nên mua đúng giá thì sẽ được lợi hơn.
Được biết, hầu hết gà được bán tại Hà Nội đều xuất phát từ chợ gia cầm Hà Vĩ, huyện Thường Tín. Vậy là chúng tôi lên xe tới chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ để khảo sát giá gà. Tại chợ Hà Vĩ, cảnh mua bán gà vịt diễn ra tấp nập như trảy hội. Trong vai người muốn mua gà ta, chúng tôi được một anh lái buôn đang đứng sau chiếc xe ô tô đầy ắp gà giao bán với giá 110.000 đồng/kg gà ta chưa vặt lông. Thấy chúng tôi có vẻ không mặn mà, anh ta lập tức hạ giá xuống còn 105.000 - rồi 100.000 và anh nói đây là giá cuối cùng. Bỏ tiền ra mua một chú gà trống choai để cúng rằm tháng bảy, lập tức anh ta giãy nảy lên nói, nếu mua lẻ gà trống thì bắt buộc giá phải là 110.000 đồng/kg, mua buôn với số lượng lớn thì mới có giá 100.000 đồng/kg.
Giá gà ta từ trang trại đến tay người tiêu dùng tăng 100% từ 70.000 lên 140.000 đồng |
Tiếp tục quay trở về thời điểm xuất phát của giá gà, tại các trang trại nuôi gà lớn tại Hải Dương và Phú Thọ, chủ các trang trại nuôi gà cho biết, hiện nay giá gà ta lai được lái buôn trả 70.000 đồng/kg còn giá gà ta thả vườn giá 80.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Quang, chủ một trại gà hơn 2.000 con ở Chí Linh, Hải Dương cho biết, thấy trên báo đài nói giá cả thực phẩm tăng vùn vụt mà gà của anh ế hơn tuần nay chưa bán được. Thương lái nào đến cũng chê này chê nọ cốt để hạ giá, nói là bán được 70.000 đồng/kg nhưng trừ đầu, bớt đuôi đi chắc chỉ còn 68.000 đồng/kg là cùng. Như vậy, giá gà từ trang trại được bán với giá 70.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng đã có giá 140.000 đồng/kg, chưa kể cân điêu, bán thiếu.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay mối liên kết giữa đơn vị bán lẻ và nơi SX quá yếu, thậm chí là không có khiến cả người tiêu dùng và người SX đều bị thiệt. Và một khi quyền sinh, quyền sát nằm trong tay thương lái họ hoàn toàn có thể thao túng giá cả thực phẩm. Chẳng thế mà khi Chính phủ mới chỉ họp bàn tăng lương, ngay lập tức ngoài chợ giá cả thực phẩm đã tăng vùn vụt.
Sau khi giá thịt lợn và các mặt hàng gia súc gia cầm tăng quá cao, người dân thủ đô bắt đầu quay sang ăn cá. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu “đường bơi” của cá và nhận thấy cũng vẫn là một kịch bản như trên. Có mặt tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh, một trong những khu vực có mặt độ ao cá nước ngọt lớn nhất nhì khu vực miền Bắc đúng thời điểm tại đây có cả chục hộ dân đang thu hoạch cá bán cho thương lái. Trên bờ, xe ô tô tải xếp hàng dài đợi sẵn. Sau khi cá được người dân dùng lưới vét bắt lên, được phân loại theo kích cỡ.
Theo đó, giá cá trôi Ấn Độ từ 6 lạng đến dưới 1kg giá 30.000 đồng, từ 1kg trở lên giá 35.000 - 37.000 đồng. Cá trắm từ 1 đến dưới 2 kg giá 55.000 đồng/kg, từ 2 - 3 kg được mua với giá 65.000 đồng/kg. Cá chép hầu hết đều được mua theo giá cá trắm, tùy từng kích cỡ. Với loại cá bình dân nhất là rô phi lưỡng tính được lái buôn trả giá 30.000 đồng/kg. Sau khi thu gom đầy xe tải, đoàn xe chở cá kéo về chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai để bán cất cho các chợ lẻ.
Tại đây, giá các loại cá bắt đầu tăng bước một, giá cá trôi được giao bán 40.000 - 45.000 đồng/kg tùy từng loại, cá trắm 65.000 - 75.000 đồng/kg từng loại, cá rô phi 40.000 đồng/kg. Nhưng người tiêu dùng muốn ăn một trong những loại cá trên, phải chấp nhận trả thêm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, riêng cá chép và cá trắm to từ 3 kg trở lên khi bán lẻ được tách riêng với giá trên 120.000 - 140.000 đồng/kg.