00:00 Số lượt truy cập: 2995759

An Giang: Làm giàu nhờ áp dụng mô hình vườn đa canh 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Đoàn Thanh Nhàn (36 tuổi, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang) phất lên nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình đa canh trong sản xuất. Tuy còn trẻ nhưng anh đã được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.


Sinh ra trong một gia đình trung nông, anh Nhàn sớm gắn bó với cây lúa quê hương. Nhưng sau nhiều năm lặn lội sương nắng, anh nhận thấy làm ruộng tuy có căn cơ nhưng không thể giúp cải thiện kinh tế của gia đình. Từ đó, anh mạnh dạn đầu tư vốn vào 1,8 héc-ta đất ruộng của mình. Năm 2011, anh quyết định chuyển đổi đất ruộng thành mảnh vườn rộng lớn. Đầu tiên anh trồng 9 công ớt, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và trúng giá (50.000 đồng/kg) nên anh lãi được gần 400 triệu đồng. Anh Nhàn chia sẻ: “Trồng ớt là để lấy ngắn nuôi dài, thật ra tôi xuống giống ớt cùng lúc với mít, vú sữa, xoài… Những cây này cũng nhờ phân thuốc mình sử dụng cho ớt nên phát triển tốt, ít sâu bệnh”.

Bước đầu thành công giúp anh Nhàn tự tin phát triển thêm khu vườn đa canh của mình. Theo Hội Nông dân huyện Châu Phú, năm 2012, tổng thu nhập từ mô hình vườn đa canh của anh Nhàn đạt 685 triệu đồng; năm 2013 có thể cao hơn. “Tôi thường lên internet để xem những mô hình làm ăn hiệu quả rồi học theo và đạt hiệu quả. Lúc đầu khi xây dựng mô hình, nhiều người nói tôi mạo hiểm. Thế nhưng, về sau thấy hiệu quả kinh tế cao thì họ đến học hỏi kỹ thuật. Mình chẳng giấu diếm gì, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ thôi” - anh Nhàn trần tình.

Anh Nhàn cho biết, lợi thế của mô hình vườn đa canh là có thể cho thu hoạch liên tục vì hết loại cây này sẽ đến loại cây khác cho trái, chứ không như vườn chuyên canh chỉ thu hoạch đồng loạt theo mùa vụ. Do đó, lúc nào, mùa nào, anh cũng có thu nhập từ khu vườn độc đáo của mình. Thời gian qua, có rất nhiều nông dân trồng vườn từ các tỉnh khác đến tham quan mô hình vườn đa canh của anh Nhàn. Đưa tay chỉ vào những cây dừa, anh khoe: “Tôi đang trồng 400 gốc dừa, đến Tết sẽ cho thu hoạch bộn bộn đó chú”. Nâng niu những trái bưởi, anh Nhàn nhìn khu vườn xanh um của mình với nét mặt đầy lạc quan. Tận dụng diện tích đất trong vườn, anh Nhàn còn đầu tư nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập. Anh còn định thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn. Anh cho biết thêm: “Mô hình này tôi học trên internet, thấy mấy anh bên Đồng Tháp nuôi đạt hiệu quả nên mình tìm cách làm theo. Với lại được Hội Nông dân huyện khuyến khích”.

Là một nông dân giỏi, anh Nhàn thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ những anh em trong xóm có việc làm. Anh bộc bạch: “Tôi thích những người nghèo khổ nhưng chịu mần ăn. Dù chưa giàu có gì nhưng tôi cũng thuê mấy ảnh để giúp mình coi vườn. Vừa tiện cho mình mà cũng có thu nhập cho họ”. Mặc dù lo công việc trồng trọt, chăn nuôi nhưng anh Nhàn rất quan tâm đến việc học hành của các con. Anh khoe, con trai lớn Đoàn Thanh Nhân đang học lớp 10, còn cậu út Đoàn Vũ Kha mới vào lớp 1. “Dù thế nào tôi cũng ráng lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn, ngày trước mình không đủ điều kiện để đi học. Giờ đời sống cũng đỡ rồi, tôi phải lo cho các con có trình độ mới theo kịp xã hội” - anh Nhàn tâm sự.

Đi dưới mảnh vườn đa canh, anh Nhàn nói, nông dân bây giờ phải biết động não nghĩ ra những mô hình hay thì mới làm giàu cho bản thân được.

THANH TIẾN