GS.TS Đặng Kim Chung, ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng khái niệm ANLT trong các văn bản chưa được hiểu thống nhất, một số người theo “giáo án” của châu Âu thì bao gồm an ninh, an toàn về lương thực và thực phẩm và VN cũng nên có cách hiểu như vậy. Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Văn Dư, thì khái niệm ANLT được vận dụng tùy theo điều kiện cụ thể từng nước, một số nước phát triển thì bao gồm cả TĂCN, đồng cỏ, trái cây, riêng ASEAN thì chỉ bao gồm các nông sản tinh bột và rau đậu.
Với VN thì lúa gạo chiếm đến 70% cơ cấu tinh bột trong bữa ăn, bởi vậy có ý kiến nêu thực chất ANLT của VN chỉ là cân đối lúa gạo. Theo tính toán của TS Nguyễn Văn Ngãi (Viện Nghiên cứu- phát triển ĐBSCL), trong tình huống xấu nhất năng suất không tăng thêm thì đến năm 2020 sẽ không còn gạo XK nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tối thiểu lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên quan trọng hơn về sản lượng là khả năng tiếp cận lương thực cho tất cả các đối tượng trong xã hội, bởi thực tế ở nhiều nước đã từng xảy ra nạn đói nghiêm trọng trong khi quốc gia đó được mùa (Ethiopia – 1973, Bangladesh – 1974).
Sự thiếu hụt diện tích đất trồng lúa, suy thoái nghèo kiệt đất trồng lúa, ô nhiễm môi trường là những nhân tố đang hàng ngày hàng giờ đe dọa ANLT quốc gia. Nước biển dâng làm cho diện tích trồng lúa ở ĐBSCL và ĐBSH giảm cũng là một nhân tố mà hình như tham luận nào cũng quan ngại sâu sắc.
Tuy nhiên, theo TS Tăng Đức Thắng thì hiểm họa trên là có thật và khôn lường nhưng dẫu sao vẫn đang ở thì tương lai xa vì theo quan sát thì mực nước biển chỉ dâng 1,3 mm/năm và hiện tượng trên đã diễn ra 50 năm nay, việc thông tin rầm rộ về mực nước biển dâng dễ làm cho nhiều người bỏ qua, sao nhãng hiểm họa khác nguy hiểm hơn, khốc liệt hơn và đang đến rất gần đấy là sự thiếu hụt nước ngọt cho ĐBSCL, vựa lúa chính đảm bảo ANLT.
Theo TS Thắng, việc tăng sử dụng nước ào ạt của các nước ở thượng nguồn bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia là rất nguy hiểm cho ĐBSCL, nó không những “bức tử” dòng sông như cảnh báo của LHQ mà còn giảm lưu lượng rất lớn nhất là về mùa kiệt. Từ nhiều năm nay, lưu lượng mùa kiệt của sông Mekong về VN khoảng 2.000 m3/s, nhưng việc Thái Lan đang khởi động dự án đắp đập thủy điện lấy nước tưới cho vùng Đông Bắc, việc các quốc gia khác đang bỏ ra hàng núi tiền để mua và khai thác ruộng đất ở Campuchia làm cho lưu lượng nước về mùa kiệt giảm 600 m3/s.
Lưu lượng nước còn lại không còn đủ để ém phèn ở ĐTM, TGLX, làm cho nước mặn xâm nhập sâu hơn, có khả năng tới biên giới Campuchia. Các dự án mới cũng sẽ thu hẹp khả năng điều tiết của Biển Hồ, khiến cho lũ sẽ khốc liệt hơn và hạn, mặn nghiêm trọng hơn.
Có việc phân chia lợi nhuận không công bằng trong chuỗi SX lúa gạo. Từ lâu nhà nước đã thả nổi giá vật tư nông nghiệp như là phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu, tín dụng… trong lúc lại khống chế đầu ra vì ANLT, hoặc là nhân danh ANLT. Để cho người trồng lúa “sống được” với cây lúa, gắn bó với cây lúa là nhân tố quyết định đến ANLT, muốn vậy cần thay đổi mạnh mẽ chính sách với người trồng lúa, vùng trồng lúa.
Một thực tế như là hiển nhiên – Người trồng lúa nghèo hơn trồng các cây trồng khác, vùng trồng lúa nghèo hơn các vùng khác. Theo kết quả giám sát của đoàn Quốc hội TP Cần Thơ ở vụ ĐX 2008-2009 vừa qua, vụ được đánh giá là thắng lợi to lớn nhất, toàn diện nhất trong lịch sử (cao nhất về năng suất, cao nhất về giá bán, cao nhất về tỷ suất lợi nhuận) thì lãi bao gồm cả tiền công đạt 13 triệu/ha với lúa thường và 14-16 triệu/ha với lúa chất lượng cao, tỷ suất lợi nhuận đạt 40-45%. Tuy nhiên trong cách tính toán giá thành đã bỏ qua nhiều chi phí là tiền công và phí thuê đất (vì rất nhiều hộ trồng lúa phải thuê lại đất).
Mặt khác, với quy mô bình quân 0,5 ha/hộ thì thu nhập của mỗi khẩu chỉ vào khoảng 5 triệu/hộ. Theo điều tra của Viện Chính sách chiến lược (Bộ NN-PTNT) thì tỷ suất lợi nhuận trồng lúa cao nhất ở ĐBSCL, còn tỷ suất lợi nhuận trồng lúa ở ĐBSH chỉ đạt 30%, miền núi và Trung Bộ chỉ 10-20%. Theo ông Phạm Thanh Vận, PBT Thành ủy Cần Thơ, số điện thoại của vùng trồng lúa chỉ đạt 16,52% (vùng khác 82,93%), số người đọc báo chỉ đạt 3,47% (vùng khác 35,96%), số người được tham gia văn hóa, giải trí công cộng chỉ đạt 3,68% (vùng khác 8,87%)