00:00 Số lượt truy cập: 3036682

An toàn lao động trong nông nghiệp: Bao giờ được quan tâm đúng mức? 

Được đăng : 03/11/2016
Theo thống kê, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 20.000 ca tai nạn lao động trong nông nghiệp; trên 5.000 ca nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật, trong đó hơn 300 trường hợp tử vong... Mặc dù những năm qua, công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động được đẩy mạnh nhưng với người nông dân, đây thực sự là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Nguy cơ ngày càng cao

Có lẽ sau nhiều năm nữa, người dân thôn Cổ Châu, xã Châu Can (Phú Xuyên - Hà Nội) cũng chưa thể quên vụ tai nạn lao động thảm khốc do sập lò gạch ngày 7/1/2008 làm 5 người chết và 6 người bị thương. Nguyên nhân là do lò gạch xây dựng quá sơ sài, không đảm bảo an toàn. Điều đáng nói là sau vụ tai nạn, các lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động. Một lãnh đạo xã cho biết, hầu hết các chủ lò đều không có hợp đồng với người lao động mà chỉ hợp đồng... miệng; không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân; không tập huấn về an toàn lao động... mà chỉ có một sự ràng buộc duy nhất: khoán mỗi người làm 1.000 viên gạch /ngày, với mức tiền công 35.000 - 50.000 đồng /người.


Theo Quyết định 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành thì lò gạch thủ công tự phát sẽ được xoá bỏ vào năm 2010. Nhưng trên thực tế, khắp địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình..., đâu đâu cũng thấy lò gạch thủ công nhả khói đêm ngày. Và tình trạng mất an toàn lao động ở các lò gạch đã trở thành... chuyện thường ngày ở huyện.


Hiện, lao động ngành nông - lâm nghiệp chiếm 52,1% tổng số lao động cả nước. Trong khối doanh nghiệp, hàng năm chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ cho 30% người lao động, 5 - 8% được khám bệnh nghề nghiệp, nhưng ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tỷ lệ lao động được khám sức khoẻ chưa có thống kê cụ thể. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 9,3% lao động được đào tạo nghề tại các trường chuyên nghiệp; có tới 28,4% nông dân không hiểu biết về sử dụng điện sinh hoạt; 89,89% không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp; 29,4% không biết cách phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Trong khi đó, phần lớn các loại máy móc như máy bơm, máy xay xát, máy cày, tuốt lúa, máy nổ... và các máy tự chế đều không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều thiết bị không có cơ cấu an toàn. Một số máy nhập ngoại có chức năng dùng cho nhiều công việc nhưng lại không có tài liệu hướng dẫn vận hành an toàn, còn các máy tự chế có hướng dẫn chỉ chiếm 0,5%.

Có tới 89,89% nông dân không thành thạo cách sử dụng máy nông nghiệp.


Có một thực tế là bà con sử dụng ngày càng nhiều loại hoá chất độc hại trong nông nghiệp nhưng chỉ có 10 - 50% nông dân hiểu đúng về biểu thị độ độc trên nhãn thuốc (tuỳ từng vùng); 10 - 40% không đọc cách hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn; sử dụng thuốc tuỳ tiện, nhiều lần trong một vụ, không bảo đảm thời gian cách ly... Điều này đã làm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm vượt quá mức cho phép. Cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện; 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc; 1.700 người bị ảnh hưởng sức khoẻ do thuốc bảo vệ thực vật... Rõ ràng, tình hình mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp đã ở mức báo động.

Nâng cao nhận thức cho nông dân

Theo TS. Trần Thị Ngọc Lan (Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế), để cải thiện tình trạng mất an toàn lao động trong nông nghiệp hiện nay, Nhà nước cần có biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về các nguy cơ trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khoẻ cho lao động thông qua tuyên truyền; tập huấn; cung cấp, hỗ trợ các phương tiện bảo hộ. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhà nước cần xây dựng hệ thống tổ chức và quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn từ Trung ương đến địa phương; bổ sung công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động vào nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; xây dựng chương trình huấn luyện thích hợp cho nông dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm...


Ông Hàn Anh Chi, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoài Trung (Ninh Phước - Ninh Thuận) cho rằng: “Để tránh rủi ro khi tham gia sản xuất, trước hết phải tăng cường tập huấn cho những nông dân có máy móc để họ có thể vận hành thành thạo. HTX cũng cần vận động bà con mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vì lợi ích lâu dài”.


Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Nhật Bản đã ký thoả thuận thực hiện 2 dự án: Hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và Dự án Bảo vệ sức khoẻ người lao động nhằm tăng cường an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động. Với kinh phí gần 1 triệu USD (17 tỷ đồng), dự án đang được hy vọng sẽ góp phần đảm bảo môi trường lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng hệ thống bảo hộ lao động tại các ngành nghề nông thôn và nâng cao nhận thức cho nông dân...