Là một trong 12 tỉnh tham gia Dự án, nhưng Ninh Thuận là địa phương duy nhất triển khai Mô hình "Chăn nuôi cừu sinh sản". Tỉnh Ninh Thuận xác định "Ba cây và Ba con" chủ lực trong nông nghiệp. Đó là: táo, nho, tỏi và bò, dê, cừu. Như vậy, việc triển khai mô hình này tại đây là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh, thể theo đề nghị của lãnh đạo và nguyện vọng của bà con nông dân trong tỉnh. Hơn nữa, Ninh Thuận có giống cừu Phan Rang nổi tiếng, được hình thành từ trên 100 năm nay, thích ứng rất tốt với điều kiện nắng nóng, khô hạn của vùng này. Hiện nay cả nước có 87.700 con cừu thì riêng ở Ninh Thuận có tới 82.400 con (chiếm 94%).
Mô hình "Chăn nuôi cừu sinh sản" có quy mô 80 con (trong đó 78 cừu cái và 02 cừu đực), được triển khai tại hai xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) và xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) với 15 hộ nông dân tham gia. Đến nay cừu đực và cừu cái giống sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Một số cừu cái đã động dục và được phối giống, nông dân rất phấn khởi.
Trong hàng chục năm triển khai mô hình khuyến nông tại các địa phương, chưa bao giờ chúng tôi gặp trường hợp như anh Trần Trọng Nghĩa, 42 tuổi, ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Nhà anh ở cuối con đường mòn nhỏ, dài trên 1 km. Đó là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nhưng rất sạch sẽ. Mọi thứ trong nhà, ngoài sân, vườn đều được bài trí, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Nó cho chúng ta ngay ấn tượng ban đầu là chủ nhà rất chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó.
Ngồi quây quanh chiếc bàn đá kê ngoài sân, dưới dàn hoa mát mắt, chúng tôi mở đầu câu chuyện với anh về gia cảnh, sau đến các nội dung công việc liên quan đến mô hình "Chăn nuôi cừu sinh sản" mà anh được chọn tham gia ... Anh Nghĩa kể với chúng tôi: "Hơn hai năm trước gia đình em có nuôi dê. Đàn dê đang phát triển tốt bỗng dưng dịch bệnh đổ xuống. Coi như mất trắng. Bây giờ được cơ quan khuyến nông cho tham gia mô hình nuôi cừu, gia đình em rất cám ơn và sẽ cố chăm nuôi cho thật tốt ... ". Anh cán bộ khuyến nông đi cùng chúng tôi kể thêm: "Hôm giao cừu giống, cả hai vợ chồng anh Nghĩa cùng đến nhận, vừa ôm cừu vừa nghẹn ngào khóc... ".
Theo chân anh ra khu chuồng nuôi cừu, chúng tôi lại càng ngạc nhiên. Chuồng được xây cất cao ráo, đúng kỹ thuật. Nền chuồng và từng con cừu được chủ nhân vệ sinh, tắm chải sạch sẽ. Phân cừu được thu gom hàng ngày và ủ nhiệt sinh học để bón cho cây trong vườn. Bước chân vào trong chuồng chúng tôi tuyệt nhiên không thấy mùi xú uế. Đặc biệt, ở góc chuồng có một chiếc võng dù. Thấy chúng tôi đang băn khoăn, Anh Nghĩa giải thích: "Vợ chồng em thỉng thoảng ra chăm cừu và nằm ngắm chúng ăn, ngủ. Tôi hỏi vui:"Thế về đêm vợ chồng có ra ngoài này không?". Anh thật thà: "Có chứ!". Anh giải thích thêm: "Cả hai vợ chồng em đều rất chăm lo cho đàn cừu. Những hôm thay đổi thời tiết hoặc thấy có điều gì bất thường, em đều ra chuồng cừu để ngủ và canh chừng".
Chúng tôi trao đổi với anh Nghĩa nhiều vấn đề liên quan đến chăn nuôi cừu sinh sản; căn dặn anh phải chú ý đến vệ sinh phòng bệnh, theo dõi kỹ việc động dục và phối giống cho cừu .... Chia tay anh, chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng anh sẽ thành công và sẽ đi lên từ những con cừu được Dự án hỗ trợ.